Điều tra viên có thể không mặc cảnh phục khi lấy lời khai bị hại dưới 18 tuổi

Hà Khê
14/10/2020 - 09:59
Điều tra viên có thể không mặc cảnh phục khi lấy lời khai bị hại dưới 18 tuổi
Đó là một trong các đề xuất được đưa ra trong Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi.

Trong bài viết "Đảm bảo bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi bị xâm hại", chúng tôi đã đề cập khá nhiều nội dung, đề xuất mới liên quan đến tố tụng thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi bị xâm hại. Ở bài viết này, chúng tôi tiếp tục thông tin thêm một số nội dung quan trọng khác về trách nhiệm, vai trò của cán bộ điều tra khi tham gia điều tra các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi bị xâm hại.

Dự thảo thông tư quy định việc lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.

Cán bộ công an lấy lời khai của bị hại trong vụ án xâm hại xảy ra tại Bà Rịa Vũng Tàu (ảnh: Báo Bà Rịa Vũng Tàu)

Cán bộ công an lấy lời khai của bị hại trong vụ án xâm hại xảy ra tại Bà Rịa Vũng Tàu (ảnh: Báo Bà Rịa Vũng Tàu)

Đặc biệt, theo Dự thảo Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục Công an nhân dân.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công thụ lý điều tra cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra đối với những vụ việc, vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi.

Cơ quan điều tra cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường

Mặt khác, Dự thảo này cũng đề cập đến việc hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Đồng tình với những nội dung trên của Dự thảo, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) bổ sung thêm, qua nhiều vụ xâm hại tình dục có thể thấy nạn nhân là các em bị xâm hại khi tuổi còn có nhỏ, nhận thức và tâm lý chưa hoàn thiện nên rất dễ bị kích động, sợ hãi.

Trẻ sợ hãi khi lấy lời khai

Đang trả lời các câu hỏi của điều tra viên, cháu N.T.L (14 tuổi, quê Ninh Bình)

là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi xảy ra tại (Hà Nội) bỗng dưng bật khóc, bỏ chạy trước sự hốt hoảng của mẹ và cán bộ điều tra. Theo lời kể của chị H., khi nữ điều tra viên liên tục hỏi cháu về việc bị xâm hại như thế nào, mô tả lại hành vi của kẻ xâm hại, cháu L. đã bị sốc.

"Cháu ôm đầu khóc rồi chạy ra ngoài khiến tôi hốt hoảng chạy theo. May tôi chạy kịp để ôm cháu lại. Vì thế buổi làm việc đã không thể tiếp tục. Sau đó, thấy con gái có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý, tôi phải đưa cháu vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để thăm khám, điều trị.

Kết quả thăm khám cho thấy, cháu Linh có biểu hiện trầm cảm nặng, có biểu hiện lo âu nặng và rối loạn giấc ngủ mức trung bình.

Trong quá trình tố tụng, việc để các em tiếp xúc với các đối tượng xâm hại rất dễ kích động tâm lý các em, khiến các em sợ hãi, ám ảnh. Có thể khẳng định hậu quả xâm hại tình dục là vô cùng nặng nề và dai dẳng, nó có thể theo nạn nhân hết quãng đời nên việc hạn chế tiếp xúc với các đối tượng là thực sự quan trọng và cần thiết. Hơn nữa, thông tin nhân thân của các em cũng cần được bảo vệ nhằm tránh sự lan truyền thông tin dẫn đến sự mặc cảm, tự ti sau này.

"Do đó, khi nghiên cứu xây dựng dự thảo thì cần có quy định mang tính chất đồng bộ thống nhất, vừa đảm bảo quyền hợp pháp cho nạn nhân cũng như đảm bảo quá trình giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật. Cụ thể, đối với việc tiếp xúc giữa nạn nhân và bị can, bị cáo trong vụ án thì cũng cần có quy định rõ ràng các biện pháp hạn chế tiếp xúc, ví dụ như những trường hợp phải đối chất khi có mâu thuẫn trong lời khai thì có thể hạn chế bằng việc cách ly bị hại và bị can, bị cáo và chỉ đối chất qua các phương tiện truyền tin mà không cần đối diện trực tiếp", luật sư Cường phân tích.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm