'Đỉnh' doanh thu từ game di động Việt Nam 2016 sẽ lên 190 triệu đô

08/01/2016 - 13:18
Game di động Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông “gây sốt” trên toàn thế giới đã tạo một “cú hích” cho game di động . Vì thế, trong hơn 2 năm qua, thị trường game di động Việt Nam đã đạt những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc.
THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á
Gần 40% tổng doanh thu của thị trường game di động tại các nước Đông Nam Á thuộc về thị trường Việt Nam - đó là con số được công bố tại sự kiện Mobile Game Asia 2015 do Hiệp hội Game di động Toàn cầu tổ chức ở TPHCM gần đây.  Giới chuyên môn thậm chí còn dự báo rằng, con số trên chỉ mới thể hiện ở “bước khởi đầu” của thị trường còn tiềm năng rất lớn này, bởi mức tăng trưởng trong vài năm tới sẽ còn tiếp tục duy trì ở tốc độ rất cao - có thể đạt tới trên 30%/năm. Dự báo, các năm 2015, 2016 sẽ là “đỉnh điểm” với các mức doanh thu lần lượt là 145 và 190 triệu USD. Nếu điều này trở thành sự thật thì doanh thu của game di động tại Việt Nam còn cao hơn cả doanh thu lĩnh vực game PC và web game, chiếm tới 60% tổng doanh thu trong lĩnh vực trò chơi công nghệ.

Thị trường game Việt Nam thuận lợi vì số lượng thuê bao lớn và người Việt 'hào phóng' khi chi tiền chơi game trên di động

So sánh với các quốc gia trong khu vực, thì doanh thu từ game di động của Việt Nam hiện bằng tổng doanh thu của 4 quốc gia rất mạnh về công nghệ khác là Malaysia, Singapore, Phillipines và Thái Lan cộng lại. Riêng với Thái Lan thì thị trường Việt Nam hiện có mức doanh thu cao gấp 1,5 lần.
Một trong những yếu tố góp phần tạo nên “hiện tượng” này, đó là sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp phát hành game Việt Nam. Theo số liệu của Appannie, trong top 10 nhà phát hành game mobile ở Đông Nam Á tính theo doanh thu thì có đến 3 đại diện từ Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường game di động Việt Nam có một lợi thế rất lớn, đó là số thuê bao di động hiện lớn gấp 1,5 lần so với dân số hơn 90 triệu người. Có nghĩa, trung bình 2 người dân Việt Nam sở hữu 3 thuê bao di động. Số lượng người sử dụng smartphone lên tới 23 triệu - có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 trong khu vực, trong đó 80% là người trẻ yêu thích sự năng động và mạo hiểm của các loại trò chơi công nghệ. Một yếu tố khác, đó là lượng người tham gia mạng xã hội, chủ yếu là mạng facebook, ngày càng đông đảo. Riêng trong năm 2014 đã có tới 41 triệu tài khoản được kích hoạt - nằm trong nhóm các quốc gia có số người tham gia mạng xã hội đông đảo nhất thế giới.
Với những đặc thù về tập quán sinh hoạt, tỉ lệ người Việt dùng điện thoại di động để chơi game chiếm tới 92%, trong khi số chơi bằng máy tính bảng chỉ chiếm 8%. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác rất đáng chú ý của thị trường Việt Nam, đó là mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người ở Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, nhưng thu nhập trung bình từ mỗi người chơi game có trả phí lại bằng 80% của Thái Lan. Điều đó cho thấy nhiều người Việt luôn “hào phóng” khi chi tiền để chơi game trên di động.

Phát hành game phải phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia
Trong khi thị trường PC, máy tính bảng cũng như các loại thiết bị chơi game chuyên dụng đang dần bão hòa, thì thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, sự phát triển mạng 3G - và sắp tới đây là hệ thống 4G với chất lượng truyền dẫn tín hiệu được cải thiện đáng kể - càng tạo thêm nhiều cơ hội để game di động phát triển mạnh mẽ.
Nhận rõ cơ hội, các nhà phát hành game di động tại Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động trên mọi phương diện. Nếu như số lượng game trong năm 2014 của Việt Nam là 77, thì chỉ trong 2 quý đầu năm 2015 đã có 64 game mới được phát hành, bằng 83% so với lượng game phát hành năm 2014. Con số này cao hơn hẳn so với 25 game ở Thái Lan và 20 game ở Indonesia. Với đà tăng trưởng đó, sẽ là không quá khó khăn để lượng game phát hành trong cả năm 2015 đạt con số 120.

Bên cạnh mặt giải trí game tốn nhiều thời gian và có thể chứa đựng nội dung trái thuần phong mĩ tục

Những con số ấn tượng của thị trường game di động đã khiến các nhà kinh doanh game thế giới lựa chọn Việt Nam làm thị trường trọng điểm của khu vực. Với đặc điểm là những game đã thành công ở Trung Quốc hầu như đều có khả năng sẽ thành công ở Việt Nam, vì game thủ ở 2 nơi này có nhiều điểm tương đồng, chính là một yếu tố đảm bảo cho lợi nhuận của việc kinh doanh game di động tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, cơ hội phát triển game di động ở thị trường Việt Nam không phải là không gặp những thách thức. Cơ quan chức năng vẫn coi game di động là một loại hình giải trí có 2 mặt lợi và hại. Trong đó, cái “hại” đáng kể không chỉ là tiêu tốn nhiều thời gian của lực lượng lao động trẻ và một số học sinh, sinh viên, mà còn dẫn tới những hệ lụy về mặt xã hội khi nội dung của một số game có thể chứa đựng những yếu tố không có lợi đối với thuần phong mỹ tục, những giá trị đạo đức truyền thống… Chính vì thế, Nhà nước đã thiết lập chính sách quản lý chặt chẽ về game online và kiểm soát cấp phép game mới khá kỹ lưỡng. Trong 3 năm qua mới chỉ có 4 công ty được cấp phép là SohaGame, VNG, VTC và Garena. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không cấp phép cho các công ty nước ngoài phát hành game di động ở trong nước. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn phát hành phải hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia Đông Nam Á khác cũng vậy. Do đó, mặc dù đây là một thị trường khá đặc thù từ thị hiếu người chơi đến thị trường, thanh toán..., song vẫn có những quy tắc chung: đó là phát hành game phải phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm