Độc đáo Lễ hội Tatrai

24/04/2023 09:00
Già làng Phạm Văn Krới cúng Yàng trong lễ hội Tatrai.

Già làng Phạm Văn Krới cúng Yàng trong lễ hội Tatrai.

Nhằm thực hiện Đề án của UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) về: "Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ Tu", được sự tài trợ từ Phòng Dân tộc huyện Đông Giang, chúng tôi rất ấn tượng khi được chứng kiến màn phục dựng lễ hội "Tatrai" tại thôn Éo (nay là thôn Ban Mai), xã Ba (Đông Giang).

Nông lịch của người Cơ Tu dựa vào "mặt trăng"

Già làng Ðinh Văn Bớt (77 tuổi, trú tại thôn Đha Mi, xã Ba (Ðông Giang - Quảng Nam) cho hay, bao đời qua, người Cơ Tu ở các huyện miền núi cao tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Ðồng bào Cơ Tu nơi đây có một kho tàng tri thức bản địa về nông nghiệp nương rẫy thích ứng với đặc thù tự nhiên của thổ nhưỡng, môi trường...

Độc đáo Lễ hội Tatrai của người Cơ Tu - Ảnh 1.

Già làng Y Công đang đánh trống khai hội Tatrai.

Nông lịch của người Cơ Tu lấy âm lịch để tính thời gian và được phân ra bốn mùa chính. Mùa xuân là bắt đầu thời vụ sản xuất nhưng chưa tập trung. Ðàn ông vẫn còn săn bắt thú trong rừng, đàn bà làm cỏ ở rẫy cũ để trồng bắp, gieo cải... Ðến đầu tháng giêng bắt đầu phát rẫy.

Mùa hè từ khoảng tháng bốn, năm là thời gian tập trung đốt rẫy, tỉa, làm cỏ... Mùa thu vào tháng sáu, bảy mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơ Tu rủ nhau đi bắt cá. Cuối tháng bảy đầu tháng tám thu hoạch lúa ba trăng. Khi trời có mưa gió, đàn ông ở nhà đan lát, sắm sửa các dụng cụ bắt chim; đàn bà dệt thổ cẩm, kiếm củi dự trữ trong mùa đông... Mùa đông đàn bà thu hoạch lúa mùa, đàn ông săn bắt chim, thú ở núi cao...

Theo kinh nghiệm, người Cơ Tu thường chọn đất canh tác tốt bằng cách căn cứ vào mật độ con ễnh ương sinh sống nhiều. Họ cho rằng nơi ấy đất có độ ẩm cao, cây trồng phát triển tốt, mùa màng bội thu nên họ xem ễnh ương là "sứ giả" của vùng đất phì nhiêu, mang lại ấm no cho đồng bào.

Những chàng trai Cơ Tu dúng mãnh giữa Trường Sơn và điệu múa "Tâl tung"

Già làng Phạm Văn Krới (69 tuổi) trú tại thôn Ban Mai (xã Ba) cho hay, người Cơ Tu theo chu kỳ của mặt trăng lấy ngày âm lịch làm nông lịch và chia các tháng trong năm để ấn định các công việc nương rẫy. Nông lịch không ghi trên sổ sách nào mà các già làng hay những bậc cao niên đều biết. Tháng nào thì phát rẫy, tháng nào thì đốt rẫy và dọn tỉa, tháng nào thì làm cỏ, thu hoạch...

Nông lịch còn quy định công việc lấy mật ong, bẫy thú rừng, bẫy chim, bắt cá, bắt dơi, bắt mối, làm rượu tà vạt, rượu tr'đin... được thực hiện vào tháng nào...

Kinh nghiệm gieo trồng

Ngày trước, khi đến giai đoạn tỉa lúa, chủ làng tỉa 'làm phép' sáu hạt thóc đầu tiên, sau đó các gia đình thành viên trong làng mới được tỉa lúa của gia đình mình. Trong phạm vi gia đình thì người quản lý, trông giữ thóc giống (thường người đàn bà lớn tuổi nhất) sẽ là người tỉa những hạt lúa trước tiên.

Do đặc điểm đất đai vùng miền núi dốc, độ phì dễ bị trôi rửa, thông thường đối với rừng già đồng bào làm hai vụ lúa trên một diện tích đất rẫy sau đó sẽ tiến hành làm một vụ mùa sắn hoặc bắp và sau đó sẽ để đất rẫy hoang hóa, phục hồi. Ðối với đất rẫy luân canh thì chỉ làm một vụ lúa, không tiến hành sản xuất vụ thứ hai. Khi gieo lúa, đồng bào xen canh cây bắp, các loại rau đậu để có cái ăn khi chờ lúa chín.

Kinh nghiệm của đồng bào chọn đất làm rẫy cần tránh những vùng núi có độ dốc lớn ven sông suối dễ bị sạt lở và trôi lớp đất tốt khi có mưa lớn. Sau khi chọn đất, vào tháng hai âm lịch sẽ tiến hành phát rẫy và tháng tư, tháng năm đốt rẫy. Khi phát rẫy, phải phát sao cho cây phủ dàn đều diện tích, sau này đốt lớp tro, than sẽ phân bố đều trên đất. Sau những ngày đốt rẫy, thú rừng như nai, mang... thường về để ăn tro nên thời gian này đồng bào đặt bẫy hoặc đi săn, bắt.

Lễ hội Tatrai là gì?

Theo già làng Y Công (93 tuổi, trú tại xã Ba) cho hay, người Cơ Tu tỉa lúa được tiến hành sau khi đốt rẫy. Già làng và những người có kinh nghiệm nhìn trăng, mây và số lượng các ngày mưa dông đã qua để tính toán thời gian sẽ tiến hành tỉa lúa.

Sau khi phát, đốt, chọc lỗ tra hạt, lấp lỗ… của người Cơ Tu vùng thấp vùng Đông Giang, thường được tổ chức lễ hội Tatrai vào tháng Tư, tháng Năm (âm lịch) hàng năm.

Khi cây lúa trên nương rẫy đã lên ngọn, cây bắp đã lên mầm là thời gian tổ chức lễ Tratai nhằm: Ôn lại Lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu nơi đây; Dâng hiến, biết ơn Yàng và các vị thần linh đã che chở cho dân làng trong năm qua được bình an, sức khỏe; Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống của dân làng luôn được ấm no, hạnh phúc.

Phần hội bao gồm Lễ cúng trâu sống, múa "Tâl tung - ya yá", nghi thức đâm trâu (nay tục đâm trâu đã bãi bỏ), Lễ cúng trâu chín và ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu như rượu cần, rượu nếp, rượu tà vạt, bánh cuốt, cơm lam, thịt khô, ếch nướng ống lồ ô…

Độc đáo Lễ hội Tatrai của người Cơ Tu - Ảnh 3.

Các món ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu vùng thấp.

Người Cơ Tu rất hiếu khách. Nếu gặp bạn đang tò mò xem lễ hội, đại diện dân làng sẽ ra mời bạn lên nhà Gươl uống rượu cần, tà vạt và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Cơ Tu như cơm lam, thịt, cá nướng; ếch um, bánh cuốt... Lúc đó bạn không nên từ chối và cùng chung vui bữa tiệc trong Lễ hội Tratai của đồng bào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn