pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi thay ở xã vùng cao nhờ trồng trọt, chăn nuôi theo cách làm mới
Người dân xã Nghiên Loan phát triển kinh tế
Những năm trở lại đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) xác định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Vì thế, xã đã cử cán bộ về các thôn, bản để tuyên truyền, nâng cao kiến thức hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế mới.
Chị Lý Thị Chung (dân tộc Dao, thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan) cho biết, trước đây gia đình cũng chỉ biết trồng cây lúa, cây ngô, thu nhập ở mức trung bình trong thôn. Sau khi tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do UBND xã và Hội LHPN các cấp tổ chức, chị đã thay đổi tư duy trong làm kinh tế. Chị cho rằng, nếu chỉ trồng lúa, trồng ngô đơn thuần sẽ chẳng khá lên được.
Chị nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp với việc trồng cỏ nuôi trâu, bò. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng. Chị đã đầu tư mua trâu sinh sản, đồng thời mua thêm lợn nái sinh sản, lợn thịt về nuôi.
Nhờ học học kỹ và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tốt, đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng phát triển tốt. Riêng đàn lợn, mỗi năm chị xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 30-40 con. Khoảng 2 năm nay, giá lợn hơi cũng khá ổn định, nên cũng mang lại nguồn thu nhập khá.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, chị trồng hơn 4.000m2 cỏ voi, hơn 7.000m2 ngô 2 vụ và nấu rượu để tận dụng bỗng cho đàn lợn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình chị thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Tại xã Nghiên Loan có chợ trâu bò rất lớn. Vì thế, người dân ở đây đến các chợ phiên tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang để tìm mua trâu, bò. Giá mua đầu vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng/con. Sau khi nuôi vỗ béo từ khoảng năm đến bảy tháng có thể bán được từ 20 đến 25 triệu đồng/con. Trong một năm, nhà nào có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được ba lứa vỗ béo, số lượng phụ thuộc vào thức ăn, cỏ của mỗi người nuôi. Nhiều hộ làm giàu từ chăn nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo như hộ gia đình ông Đinh Văn Tỷ (thôn Pác Liển), ông Ma Văn Vương và Đặng Quầy Lẩy (thôn Bản Đính)…
Chị Lộc Thị Yến, Chủ tịch Hội LKPN xã Nghiên Loan cho biết, xã hiện có 910 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt tại 16 chi, tổ phụ nữ, tỷ lệ tham gia tổ chức hội đạt trên 83%. Để hỗ trợ hội viên, Hội vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" gắn với nội dung trọng tâm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao…
Bên cạnh đó, Hội tập trung đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế. Ví như, khuyến khích hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển sản xuất với tổng dư nợ thông qua ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 16 tỷ đồng cho trên 270 chị em hội viên vay.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: Mô hình trồng rau; trồng kiệu; nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn; mô hình trâu, bò vỗ béo,… cho thu nhập từ 30 – 150 triệu đồng/năm. Đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được các Chi hội quan tâm. Hàng năm, Hội đều chỉ đạo các chi hội cơ sở khảo sát, nắm tình hình, phân loại hộ nghèo có phụ nữ làm chủ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ông Quan Tiến Nhiệm, Bí thư Đảng ủy xã Nghiên Loan cho biết, Nghiên Loan là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Pác Nặm. Toàn xã có 15 thôn, bản, trong đó có 8 thôn vùng cao. Đây là nơi chung sống của gần 6.000 người thuộc 5 dân tộc anh em là Tày, Mông, Dao, Nùng và Kinh. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 70%. Kinh tế chủ yếu là dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.
Theo ông Nhiệm, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp của xã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng về giá trị, chất lượng và bảo đảm an ninh lương thực. Nhân dân đã tăng cường cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, mô hình mới trong sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, sản lượng lương thực có hạt của xã hằng năm đều duy trì đạt trên 3.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 500kg/người/năm. Toàn xã có diện tích trồng cây ăn quả trên 80ha, tăng 90% so với đầu năm 2013.
Khai thác lợi thế của địa phương có chợ trâu, bò từ nhiều năm nay, xã Nghiên Loan đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của đồng bào, đặc biệt là trâu, bò, lợn và từng bước chuyển sang phương thức chăn nuôi vỗ béo. Nhiều hộ gia đình đã có kinh tế khá từ chăn nuôi như hộ ông Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính), Bàn Văn Lai (thôn Khuổi Tuốn).
Ngoài ra, xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài xã đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng mức lưu chuyển, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chiếm khoảng 20% tổng giá trị toàn xã, ông Nghiêm thông tin.