pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng bào Mông đổi thay cuộc sống từ cây chè
Người dân Tà Mung thu hái chè
Hiệu quả từ cây chè ở vùng cao
Những năm gần đây, qua nghiên cứu, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tà Mung thấy rằng, cây chè phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, cây chè có thể cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa nên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hưởng ứng chủ trương trên, nhiều hộ dân ở Tà Mung đã chuyển từ trồng ngô, lúa nương để chuyển sang trồng chè, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ví như, gia đình ông Mùa A Thanh (dân tộc Mông, bản Hô Ta, xã Tà Mung) đã chuyển đổi 7.000m2 đất đồi trồng ngô sang trồng chè vào năm 2017.
Ông Thanh cho biết, trước đây diện tích đất của gia đình trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương đưa cây chè lên vùng cao Tà Mung, gia đình ông cũng như bà con rất phấn khởi. Đặc biệt, gia đình ông được được hỗ trợ giống, phân bón, tiền chuyển đổi đất. Ngoài ra, trước khi chè được thu hái, gia đình ông có thể trồng xen cây đậu tương, cây lạc để có thêm thu nhập; sản phẩm chè sau này sẽ có doanh nghiệp thu mua. Đến nay, gia đình ông đã thu hái 6 đợt với giá trị kinh tế hơn 6 triệu đồng/đợt.
Cũng như ông Thanh, trước đây gia đình ông Lò Văn Cường (bản Lun 1, xã Tà Mung) còn e dè chưa tin cây chè có thể thích nghi, phát triển ở vùng đất nơi đây. Tuy nhiên, được cán bộ xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông đã trồng 2,2ha. Đến nay, nguồn thu từ cây chè đã giúp gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng. "Khi được tận tay trồng, chăm sóc, chứng kiến cây chè lớn lên từng ngày, tôi mới tin cây chè có thể sinh trưởng tốt trên vùng đất bạc màu này", ông Cường chia sẻ.
Hiệu quả của cây chè tại xã vùng cao này đã được chứng minh thông qua những gia đình đi trước. Người dân Tà Mung đã tin tưởng và mở rộng diện tích trồng chè. Phụ nữ Mông ở Tà Mun quanh năm gắn bó với ruộng nương, cây lanh, cây sắn, bây giờ làm quen với loại cây mới. Các chị em đã biết hái chè đúng kỹ thuật, hái nhanh...
Cây thoát nghèo
Ông Hoàng Văn Thiết, Phó bí thư Đảng uỷ xã Tà Mung cho biết, Tà Mung là xã vùng cao, có độ cao trung bình khoảng hơn 1.300m so với mặt nước biển. Trong đó, 90% địa hình là núi cao nên quanh năm Tà Mung có mây và sương mù. Điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây lâu năm, cây công nghiệp và cây dược liệu, gia vị. Người dân nơi đây từ lâu đã trồng các loại cây như sa nhân, thảo quả, sơn tra... Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại cây trồng, nhất là cây có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, sau khi tìm hiểu, chính quyền xã vận động người dân đưa cây chè vào sản xuất.
Để người dân hiểu lợi ích và cùng tham gia trồng chè, Cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phát triển cây chè. UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc chè. Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trồng chè xuống phụ trách các bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức cho một số bà con tham quan, học tập mô hình trồng chè ở các nơi khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, điều người dân lo ngại nhất là đầu ra cho sản phẩm chè. Để giải quyết vấn đề này, UBND xã phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường. Về lâu dài, UBND huyện đã có chủ trương xây dựng nhà máy chế biến chè tại xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân.
Ban đầu, UBND xã đã rà soát diện tích đất trống đồi núi trọc, đất sản xuất nghèo kiệt ở các bản để đưa cây chè vào trồng. Đồng thời, phối hợp cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân đến trồng, chăm sóc.
Sau một thời gian vận động, người dân đã nắm vững quy trình sản xuất, nhờ đó diện tích chè không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn xã đã thực hiện trồng mới trên 200ha chè. Riêng diện tích chè trồng năm 2017, năm 2018 với khoảng 67ha cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha chè cho thu hoạch 20-30 triệu đồng.
Hiện tại, bà con vẫn đang tập trung chăm sóc, thu hái, đồng thời tạo tán để cây chè phát triển ổn định. "Từ việc đưa cây chè vào trồng, phát triển đã tạo ra bước thay đổi căn bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về tư duy, nhận thức của người dân địa phương", ông Thiết chia sẻ.