Người phụ nữ Nùng làm giàu từ cây chè
Thanh Vân
16/10/2022 17:00

Chị Hứa Thị Anh (SN 1983), dân tộc Nùng, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, đang là chủ cơ sở chế biến chè đặc sản có tiếng. Ngoài trồng chè giỏi, gia đình chị còn mạnh dạn mở xưởng sản xuất chè, mỗi năm cho ra lò hơn chục tấn chè khô.

Nhà chị Hứa Thị Anh ở ngay đầu xóm. Giữa trưa mà xưởng sao chè vẫn hoạt động không ngơi nghỉ. Vừa bước vào cổng mà hương chè thơm ngào ngạt bao phủ lấy ngôi nhà khang trang của gia đình. 5 lao động, người nào, người nấy luôn tay luôn chân, chuyển nguyên liệu vào máy sấy rồi sang máy sao chè... Ai cũng làm việc hết sức hăng say.

Người phụ nữ Nùng làm giàu từ cây chè - Ảnh 2.

Xưởng sản xuất chè của gia đình chị Hứa Thị Anh

Chị Hứa Thị Anh có dáng người dong dỏng, đầu đội khăn và phủ kín cả khuôn mặt, chỉ hở đôi mắt tươi tắn. Chị lại như con thoi, đi từng máy kiểm tra từng công đoạn. "Chè ngon phụ thuộc vào cách chế biến. Mình để già lửa, hay thiếu lửa, chè đều không đạt chất lượng. Người làm chè là phải nắm rõ, chi tiết từng công đoạn", chị chia sẻ.

Làm dâu đất chè

Chị Hứa Thị Anh về làm dâu đất chè đã hơn 20 năm. Tuy không sinh ra ở vùng chè đặc sản Tân Cương nhưng chị lại gắn bó với nghề trồng chè và sao chè như duyên phận. Gia đình chồng đã 3 đời gắn bó với cây chè. Cuộc sống của cả nhà cũng trông cả vào những luống chè. Những năm trước đây, việc làm chè còn nhỏ lẻ. Mỗi năm nhà cũng chỉ sản xuất được đôi tấn chè khô.

Về làm dâu, chị được nhà chồng truyền dạy cách trồng chè, chăm sóc chè, đến việc thu hái. Vốn hay lam hay làm, chẳng mấy chốc chị đã trở thành người chăm sóc chè giỏi giang của gia đình. Chị còn được bố mẹ chồng truyền dạy cho cách sao chè. Công việc làm chè khi đó vô cùng vất vả, vì mọi công đoạn đều làm thủ công. Đôi bàn tay của người con gái đất chè đã trải qua bao năm trở lên chai sạn. "Làm chè cực nhọc vô cùng, đặc biệt là trong việc chế biến và sao chè. Đây là công đoạn quyết định tới sự thành bại của sản phẩm chè. Ai mà không kiên trì sẽ bỏ nghề sớm", chị Hứa Thị Anh chia sẻ.

Theo chị, để có một mẻ chè ngon, nó phụ thuộc rất nhiều vào sự chế biến của người sao chè. Ngoài việc chè được trồng trên vùng đất có lợi thế về thổ nhưỡng như Tân Cương, việc làm chè phải trải qua 8 công đoạn: Thu hái, phơi héo, ốp chè, diệt men, vò chè, sao chè, lên hương, đóng gói và bảo quản. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. "Ngoài việc kiếm được nguyên liệu chè ngon, chế biến chè cũng quyết định tới phẩm chất của chè", chị cho biết.  

Mở xưởng làm ăn lớn

Sau bao năm làm thủ công, sản lượng chè thấp, vợ chồng chị đã quyết định vay tiền mua máy sấy chè, vò chè và cả máy đóng gói. Có máy móc sẽ giải phóng được sức lao động và tăng sản lượng. Xưởng chè rộng hơn trăm mét vuông, trị giá hơn tỷ đồng của gia đình chị được xây dựng bài bản. Từng công đoạn làm chè cũng được máy móc hỗ trợ.

Gia đình chị Hứa Thị Anh đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại để chế biến chè

Mỗi ngày, xưởng sản xuất chế biến chè Tân Cương của gia đình chị làm hết khoảng 6 tạ chè tươi và cho ra 100kg chè khô. Không chỉ tiêu tiêu thụ hết lượng chè của gia đình, chị còn nhận bao tiêu sản phẩm chè tươi cho 15 hộ gia đình khác trong xã. Trong suốt câu chuyện của mình, chị không ngừng nghỉ chân tay. Hết kiểm tra máy móc, chị lại đóng chè, rồi liên hệ với khách hàng.

Hôm chúng tôi đến thăm, chồng chị là anh Hùng ở nhà hỗ trợ vợ làm chè. Thấy vợ vừa phải làm, vừa phải nói chuyện với khách, anh Hùng đã khéo léo dẫn chúng tôi ra bàn chè, thưởng thức đặc sản của đất Thái Nguyên. Hộp chè móc câu vừa mở ra đã tỏa hương thơm dìu dịu. Ấm chè vừa ngấm, anh Hùng rót ra mới khách thưởng thức. Màu chè xanh trong, hương thơm tỏa ra như gom cả đất trời vùng Tân Cương vào đó. "Chè Tân Cương nức tiếng khắp cả nước. Chè luôn có hương thơm tự nhiên và uống xong, vị ngọt đậm cứ đọng lại mãi", anh Hùng tự hào khoe.

Sản phẩm chè khô do gia đình chị Hứa Thị Anh sản xuất có chất lượng thơm ngon, hảo hạng

Tôi từng đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại chè khác như chè Mộc Châu, Bảo Lộc hay chè Phú Thọ… mỗi nơi chè có hương vị đặc trưng khác nhau, nhưng chè Tân Cương vẫn có hương vị dễ "gây nghiện" nhất. Nước xanh trong như mắt mèo, chưa kịp nhấp chén trè mà hương thơm đã lan tỏa. Vị chè ngọt đậm đà và rất có hậu. Anh Hùng chưa tan tuần trà đã nói bồi thêm một câu khen vợ mình: "Vợ tôi rất có năng khiếu xao chè, khách ở khắp nơi trên cả nước lấy chè nhà tôi rồi là khen hết lòng".

Gia đình anh chị còn sắm cả ô tô tải để chuyên chở chè. Giờ đây, mỗi năm xưởng chè sản xuất được khoảng 12 tấn chè khô, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Khách hàng ở khắp nơi trên cả nước. Vợ chồng chị Hứa Thị Anh đang lo, nhu cầu của khách ngày một lớn mà nguyên liệu cho sản xuất lại đang thiếu. Đất ở Tân Cương, không phải chỗ nào cũng cho chè ngon và hiện không còn diện tích để mở rộng sản xuất.

Người phụ nữ Nùng làm giàu từ cây chè - Ảnh 6.

Vùng chè thuộc xóm Soi Vàng, xã Tân Cương là đặc sản trứ danh của đất Thái Nguyên

Mỗi búp chè được chị Hứa Thị Anh nâng niu