Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Đề nghị bổ sung chính sách cho lao động nữ

PV
08/11/2023 - 18:39
Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Đề nghị bổ sung chính sách cho lao động nữ

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại tổ. Ảnh: PVH

Đây là một trong những nội dung đề nghị của đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, tại phiên thảo luận Tổ, chiều 8/11, về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phát biểu tại Tổ 14, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ đồng tình đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, qua đó cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đồng thời khắc phục những tồn tại những hạn chế sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp...

Quan tâm một số nội dung liên quan đến bình đẳng giới và vấn đề giới trong dự thảo luật, Chủ tịch Hà Thị Nga đánh giá cao báo cáo đánh giá về tác động giới trong hồ sơ dự thảo luật đầy đủ, kỹ lưỡng. Trong đó, dự thảo luật nêu rõ tỷ lệ lao động nữ tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh khá cao, cụ thể: Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ chỉ huy, quản lý tại các cơ quan, đơn vị công nghiệp quốc phòng chiếm tới 20%; các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt thì tỷ lệ lao động nữ cũng chiếm khá cao 34,9%; một số các nhà máy có tỷ lệ lao động nữ từ 42% đến 60%; tỷ lệ lao động nữ trong các cơ sở nghiên cứu đào tạo trên 17%

Đại biểu Hà Thị Nga nhấn mạnh: "Có thể khẳng định dự án Luật này có yếu tố về giới rất cao và chúng tôi đánh giá cao Ban soạn thảo đã xác định và thể hiện vấn đề giới trong báo cáo việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự án luật và thể hiện rõ tại Chương 4 với quy định về các chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp".

Ban soạn thảo đã chủ động đề xuất lồng ghép một số vấn đề bình đẳng giới, như tại Khoản 9 Điều 47, quy định Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ về kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại các địa bàn có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; hay kinh phí hỗ trợ y tế đối với những nơi có điều kiện đặc biệt, phải duy trì bệnh xá hoặc là nhà trẻ bệnh xá trên địa bàn cần thiết phải duy trì theo quyết định của Bộ Quốc phòng Bộ Công an...

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại một số nội dung chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm như: Thiếu các số liệu tách biệt về giới để có căn cứ dự báo, đánh giá tác động tới của các quy định trong dự án luật; cụ thể như các chính sách đối với cán bộ nữ trong ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; Chính sách đối với lao động nữ làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; Chính sách đối với các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh có sử dụng nhiều lao động nữ.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc đưa thêm các vấn đề lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo, cụ thể là:

Thứ nhất, đề nghị nên bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh động viên công nghiệp vào Điều 4 của dự thảo luật; Bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử về giới trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh động viên công nghiệp vào Điều 5 dự thảo luật, theo quy định tại Điều 26 Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

Thứ hai, với một số nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ trong ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong báo cáo mới nêu chủ yếu là số liệu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; số liệu về cán bộ nữ để so sánh về giới trong lĩnh vực công nghiệp an ninh chưa được thể hiện rõ. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung để đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ để có căn cứ xác đáng hơn trong việc đề xuất những cơ chế, chính sách.

Đồng thời đề nghị bổ sung những chính sách hỗ trợ cho nữ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng được mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi - theo quy định của Luật Bình đẳng giới; Bổ sung chính sách phát triển cán bộ nữ là chuyên gia khoa học nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 26, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất chính trị năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xác định mục tiêu, đó là đối với đội ngũ cán bộ khoa học chuyên gia để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành nhà khoa học các lĩnh vực trọng điểm công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng là lĩnh vực rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để có đội ngũ chuyên gia chất lượng, đặc biệt là chuyên gia nữ...

Đề nghị bổ sung chính sách cho lao động nữ trong các doanh nghiệp, đơn vị công nghiệp quốc phòng, an ninh  - Ảnh 1.

Phiên thảo luận tại tổ 14 chiều 8/11

Thứ ba, đề nghị có chính sách đối với lao động nữ làm trong các doanh nghiệp, đơn vị công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, cụ thể hóa những chính sách đối với những doanh nghiệp, đơn vị có nhiều lao động nữ; cụ thể như bố trí phòng vắt sữa, trữ sữa mẹ; đảm bảo có đủ các buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc; quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi có nhiều lao động hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ mẫu giáo cho người lao động.

Bên cạnh đó, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí sắp xếp việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lao động nữ; đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và tiền lương, chế độ khác... Có những hình thức tham khảo, trưng cầu ý kiến của lao động nữ hoặc người đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong đó có lao động nữ; tạo điều kiện về vệ sinh an toàn cho lao động nữ trong một số ngành nghề nặng nhọc nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh.

Đồng thời đề nghị sửa Điều 71 về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nên sửa lại là của "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội" cho phù hợp tên gọi của điều luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm