Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp mạnh hơn để Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế

PVH
14/03/2024 - 10:38
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp mạnh hơn để Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng nay (14/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31, dự kiến xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động hơn nữa cho Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu với 7 dự án luật

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng.

Trong đó về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành 1 ngày (dự kiến ngày 18/3) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp mạnh hơn để Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền Hà Nội

Cũng tại phiên Khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng, quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật.

Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: Trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp mạnh hơn để Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế- Ảnh 2.

Đại biểu tham dự phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên (dự thảo Luật trình Quốc hội quy định không quá 9 thành viên), số lượng thành viên cụ thể do HĐND Thành phố quyết định (khoản 2 Điều 9). Phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn (khoản 5 Điều 9).

Cụ thể, dự thảo luật phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9).

Về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp mạnh hơn để Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế- Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (khoản 3 Điều 17) (các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm