pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần công bằng với người làm nội trợ, việc làm tự nguyện
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, thảo luận tại hội trường
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, cho biết: Tại Điều 3, về định nghĩa và phạm vi của "việc làm", dự thảo luật chưa bao quát đầy đủ việc làm, chỉ đề cập đến việc làm có phát sinh quan hệ lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngọc Ánh, có những việc làm không phát sinh quan hệ lao động nhưng bản thân công việc đó lại tạo ra giá trị to lớn cho gia đình, cộng đồng.
Cụ thể là vấn đề việc làm nội trợ trong các gia đình, theo đại biểu Ngọc Ánh, xét về mặt xã hội là công việc tự nguyện của các thành viên trong mỗi gia đình. Song, xét về mặt kinh tế thì việc nội trợ lại là yếu tố nền tảng để mỗi thành viên trong gia đình có thể dành thời gian nhiều hơn để lao động, sáng tạo, tạo ra thu nhập. Đã có quan niệm mặc định việc nội trợ là của người phụ nữ trong gia đình, dẫn đến sự miệt thị, phân biệt đối xử, vì phụ nữ làm nội trợ không ra ngoài kiếm tiền.
Điều 3, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), chỉ rõ khái niệm "việc làm" là " hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm".
"Người lao động có việc làm" là người lao động có hoạt động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm.
"Việc làm công" là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Theo đó, đại biểu Ngọc Ánh đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật và làm rõ nội hàm của của "việc làm", trong đó bao gồm cả những việc làm tự nguyện, vì lợi ích của người khác. Từ đó bổ sung vào Điều 6, dự thảo Luật về những hành vi bị cấm, một nội dung quy định những hành vi cấm phân biệt, đối xử với những người làm những việc tự nguyện vì lợi ích của người khác.
Về việc làm cho người cao tuổi, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho biết Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số nhanh, người cao tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp và phụ thuộc vào trợ cấp xã hội. Đại biểu Ngọc Ánh đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong tạo việc làm phù hợp.
Bày tỏ đồng thuận về nội dung hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi, tuy nhiên đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng ở các điều khoản khác quy định liên quan đến các chính sách việc làm như: Phát triển kỹ năng nghề từ việc các quy định khung trình độ, tiêu chuẩn, việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề mà người cao tuổi cũng phải tham gia và chịu chi phối của các quy định này. Theo đại biểu Khánh Thu, chính sách tạo việc làm cho người lao cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù tận dụng được tiềm năng thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng và cũng cần phải xem xét đến yếu tố địa phương, văn hóa và pháp luật về hỗ trợ cho người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc không chỉ là vấn đề xã hội quan trọng mà có thể tạo lợi ích kinh tế - xã hội lớn cho quốc gia.