Gia Lai: Những nữ nghệ nhân đam mê truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Gia Hân
17/12/2024 - 22:47
Gia Lai: Những nữ nghệ nhân đam mê truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Bà H’Nir mở lớp dạy cồng chiêng và hát dân ca miễn phí cho thanh, thiếu niên dân làng Kmông.

Trước nguy cơ mai một của nghề truyền thống trong nhịp sống hiện đại, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số lớn tuổi ở Gia Lai vẫn bền bỉ gìn giữ và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Ở vùng đất Đông Trường Sơn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có lẽ không ai không biết đến nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Lăm (SN 1962, người Ba Na, trú tại làng Kgiang, Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai). Bà có tay dệt vải khéo léo, gắn bó với khung dệt hàng chục mùa rẫy.

Từ năm lên 10 tuổi, bà Đinh Thị Lăm đã được ngồi cạnh bên khung cửi, nghe tiếng lách cách dệt vải của các chị, các mẹ trong làng. Cũng từ đây, những nét đẹp của hoa văn thổ cẩm đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với cô bé Ba Na mới lớn. Nhận thấy rõ niềm say mê của con gái đối với nghề dệt thổ cẩm nên mẹ và cô ruột đã dạy cho bà cách dệt vải và từng bước trao truyền nghề cho bà.

Bà Đinh Thị Lăm cho biết: Để cho ra một tấm vải thổ cẩm ưng ý, người nghệ nhân phải mất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Công đoạn để có được tấm vải thổ cẩm truyền thống khá công phu từ cách trồng cây bông, thu hoạch, nhặt hạt, kéo thành sợi, nhuộm màu. Màu sợi vải truyền thống được nhuộm từ một số lá cây, củ, quả rừng sau đó phơi khô các sợi vải và đưa vào khung dệt.

"Chính sự cầu kỳ, phức tạp nên nhiều người cùng trang lứa và cả thế hệ trẻ ngày nay không còn mặn mà với việc gìn giữ nghề dệt truyền thống. Vì vậy tôi luôn trăn trở, tìm mọi cách tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho con, cháu trong gia đình, trong làng về gìn giữ nghề dệt vải truyền thống của dân tộc mình", bà Lăm trăn trở.

Gia Lai: Những nữ nghệ nhân đam mê truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ- Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Lăm (ở giữa) dạy nghề dệt cho các chị em làng Kgiang

Năm 2020, bà Đinh Thị Lăm đứng ra thành lập nhóm chị em yêu thích nghề dệt thổ cẩm. Cũng từ đó, các chị em thường xuyên lui tới nhà rông làng Kgiang tham gia lớp truyền dạy dệt thổ cẩm, từ trồng bông đến kéo sợi, nhuộm màu sợi chỉ, căng khung và thực hành dệt thổ cẩm…

Tại Dự án "Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng" năm 2022, nghệ nhân Đinh Thị Lăm với vai trò là người dẫn dắt các thành viên tập trung phát triển những dải hoa văn truyền thống để làm nên sản phẩm mới có tính ứng dụng cao. Sau 5 tháng triển khai, dự án đã hoàn thành và bước đầu mang lại nhiều hy vọng cho đồng bào Ba Na tại địa phương với nghề dệt truyền thống.

Đến đầu năm 2024, hội nhóm chị em yêu thích nghề dệt thổ cẩm đã được nâng cấp thành Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại làng Kgiang, với hơn 25 thành viên tham gia, trong đó có sản phẩm khăn thổ cẩm đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Để chủ động về nguyên liệu dệt vải, bà Lăm đã cùng học trò, các thành viên trồng bông lấy sợi, nhuộm màu làm bằng những lá cây rừng để dệt nên những bộ váy áo truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào Ba Na.

"Ngày trước, người dân thường trồng cây bông để lấy nguyên liệu dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn bông rất khan hiếm nên một số gia đình không trồng được đã dùng các loại chỉ, len có sẵn trên thị trường để dệt. Ưu điểm là vừa dễ chọn màu, lại tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên vì muốn chủ động về nguyên liệu và giữ gìn nghề truyền thống nên tôi đã cùng chị em trồng bông lấy sợi. Mong muốn của chúng tôi là tạo ra những bộ váy áo đẹp nhất", bà Lăm bộc bạch.

Song song với việc giữ nghề truyền thống, bà Lăm còn tích cực tham gia Festival cồng chiêng Quốc tế; hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm huyện Kbang; Ngày hội Du lịch huyện Kbang. Với những cống hiến trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2022, bà Đinh Thị Lăm đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Theo thống kê, trong toàn tỉnh Gia Lai đã có 106 câu lạc bộ dệt thổ cẩm, tập hợp hơn 1.600 phụ nữ tham gia. Con số này đang tiếp tục gia tăng khi dệt thổ cẩm được tỉnh quan tâm quảng bá như một sản phẩm văn hoá thiết yếu để phát triển du lịch.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đưa dệt thổ cẩm thành nội dung quan trọng trong dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hiện sản phẩm thổ cẩm được trưng bày, giới thiệu trong các chương trình trình diễn cồng chiêng cuối tuần, tổ chức thường xuyên tại Quảng trường Đại đoàn kết, trung tâm TP Pleiku.

Gia Lai: Những nữ nghệ nhân đam mê truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ- Ảnh 2.

Những năm qua, các cấp, chính quyền huyện Kbang đã có rất nhiều dự án, chương trình, hội thi… để hỗ trợ người dân giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tương tự, bà Puih H'Nir (SN 1963, dân tộc Jrai ở làng Kmông, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã từng lo lắng về sự mai một văn hóa dân tộc. Bởi vậy, bà luôn trăn trở tìm cách truyền dạy cách đánh cồng chiêng, những điệu xoang hay các bài dân ca của người Jrai cho thế hệ sau.

Bà H'Nir kể lại: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ cho đi cùng đến các lễ hội, các đám bỏ mả, lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng Yàng… Khi thấy các bà, các mẹ chơi cồng chiêng, xoang và hát các bài hát dân ca, tôi rất thích thú và đã chăm chú học theo".

Chính niềm đam mê ấy đã giúp bà H'Nir dần dần chinh phục và sử dụng thành thạo tất cả nhạc cụ trong dàn cồng chiêng của dân tộc mình. Hiện nay, bà là người duy nhất tại xã Ia Tô sở hữu 2 bộ cồng chiêng. Năm 2023, vợ chồng bà H'Nir đã mở lớp dạy cồng chiêng và hát dân ca miễn phí cho thanh, thiếu niên dân làng Kmông. Lớp học có 25 em học vào những ngày cuối tuần. Sau gần 1 năm, được bà H'Nir truyền dạy, nhiều em đã có thể chơi thành thạo cồng chiêng và hơn cả là sự đam mê âm nhạc truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc lan tỏa đến người trẻ.

Em Puih Sỹ (15 tuổi) cho biết: "Trước kia, em thấy người ta đánh chiêng cũng thích lắm, nhưng không biết chơi. Giờ được học, biết đánh rồi nên em tự tin hơn. Em rất vui vì được đi biểu diễn ở các lễ hội".

Theo đó, hiện nay bà H'Nir là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng làng Kmông. Đội cồng chiêng của làng hoạt động rất tích cực và thường xuyên tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện, của tỉnh, trong đó có Hội đua thuyền độc mộc tranh Cúp A Sanh, Ngày hội các DTTS tỉnh Gia Lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm