Gia tăng nạn bạo hành người cao tuổi ở Nhật Bản

Nhu Thụy
24/01/2022 - 13:36
Gia tăng nạn bạo hành người cao tuổi ở Nhật Bản

Mang nguồn vui cộng đồng đến cho người cao tuổi

Cuộc khảo sát được công bố vào cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy 17.281 trường hợp người cao tuổi bị chính các thành viên trong gia đình bạo hành năm 2020.
Do già hóa dân số và ảnh hưởng của đại dịch

"Bà ấy luôn cáu kỉnh. Tôi đã mất bình tĩnh trước cách nói chuyện của mẹ", bà Yu Inoue (57 tuổi) tự thú đã giết mẹ mình đêm 23/12/2021 tại đồn cảnh sát ở Kita, Sapporo, miền Bắc Nhật Bản. Bà thú nhận liên tục đánh đập người mẹ 82 tuổi của mình cho đến khi bà nằm bất động trên sàn nhà. Vụ hành hung bắt đầu khi hai người cãi nhau về con chó của họ và đã kéo dài trong hơn 4 tiếng đồng hồ, từ 18h20 đến 22h30.

Ngay trước hôm xảy ra vụ án trên thì cảnh sát cũng tiến hành bắt giữ nghi phạm trong vụ án con sát hại cha tại nhà. Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt vì tình nghi dùng dao đâm vào ngực và bụng người cha 79 tuổi tại nhà riêng của họ ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã qua đời 2 giờ sau đó. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát.

Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ già 88 tuổi tại nhà riêng. Trong một vụ khác, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã gọi điện cho cảnh sát phường Ota (Tokyo) và nói rằng anh ta sẽ tự sát sau khi siết cổ mẹ mình. Sau đó, cảnh sát tìm thấy người mẹ hơn 90 tuổi đang bị thương tại căn hộ của bà. Thi thể của người con trai được phát hiện gần đường sắt.

Cuộc khảo sát được công bố vào cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy 17.281 trường hợp người cao tuổi bị chính các thành viên trong gia đình bạo hành năm 2020 với 25 trường hợp tử vong. Gần 70% trong số họ bị lạm dụng thể chất. Đây là mức cao kỷ lục.

Gia tăng nạn bạo hành người cao tuổi ở Nhật - Ảnh 1.

Trong số 8,92 triệu lao động ở Nhật Bản là người trên 65 tuổi, có 5,31 triệu người là nam giới và 3,61 triệu người là nữ giới.

Theo các nhà quan sát, bạo lực đối với người già đang gia tăng ở nhiều nước châu Á. Điều này có liên quan đến già hóa dân số và các vấn đề nảy sinh trong đại dịch, tương tự như vấn nạn bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em. Kết quả khảo sát cho thấy, các vấn đề liên quan đến nạn bạo hành đến từ sự mệt mỏi và căng thẳng do chăm sóc là 50%, các triệu chứng mất trí nhớ của nạn nhân là 52,9%. Số người cao tuổi bị nhân viên cơ sở điều dưỡng bạo hành là 1.232 người, trong đó ngược đãi thân thể chiếm 52% và ngược đãi tâm lý chiếm 26,1%.

Vickie Skorji - Giám đốc dịch vụ tư vấn TELL ở Tokyo, Nhật Bản - cho biết: "Chúng tôi đang nhận thấy xu hướng bạo hành gia tăng tương tự các vụ tự tử, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em. Mọi người đã quá căng thẳng, kiệt sức sau 2 năm đại dịch. Thêm vào đó là sự cô lập bắt buộc do giãn cách. Mọi người không thể làm những việc bình thường như gặp bạn bè hoặc gia đình hay thậm chí chỉ nói chuyện với đồng nghiệp tại văn phòng. Vì vậy, sự khoan dung của nhiều người đã biến mất".

Dân số Nhật Bản đạt đỉnh năm 2010 là 127,32 triệu người và kể từ đó liên tục giảm. Các nhà thống kê ước tính đến năm 2100, khoảng 1/3 trong số 83 triệu người Nhật sẽ từ 65 tuổi trở lên. Đây là xu hướng già hóa dân số mà nhiều nước châu Á bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng phải đối mặt. Do đó, tình trạng ngược đãi người cao tuổi ngày càng gia tăng là mối quan tâm của nhiều quốc gia, không riêng Nhật Bản.

Theo Makoto Watanabe - Giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người yếu thế và dễ bị tổn thương ở Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy những thay đổi tiêu cực trong xã hội Nhật Bản những năm gần đây. Trước đây, người già là cốt lõi của mọi cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của Nhật Bản do họ được tôn trọng vì hiểu biết về mùa màng và khu vực sinh sống. Nhưng giờ đây, cuộc sống đã thay đổi và bất kỳ ai cũng có thể tự tìm kiếm thông tin mình cần. Giá trị của người già đối với cộng đồng đã giảm sút. Ông Watanabe cho rằng đại dịch chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. "Mọi người căng thẳng và lo sợ mất việc làm, không đủ tiền trả các hóa đơn và bị bệnh tật. Trước đây, chúng ta đều có những lo lắng nhưng giờ thậm chí không thể ra ngoài nói chuyện với bạn bè, tìm kiếm lời khuyên, giải pháp cho chính mình".

Giải phóng những cảm giác tiêu cực

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) công bố báo cáo cho thấy, số người người cao tuổi trên 65 tuổi tại Nhật Bản ở mức cao nhất từ trước đến nay. Số người cao tuổi tại Nhật Bản năm 2021 là 36,4 triệu người, tăng 220.000 người so với năm 2020. Và theo Báo cáo thường niên về người cao tuổi của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ người Nhật Bản cô đơn tăng 5,4 điểm phần trăm so với năm 2016 (năm 2016 là 25,9%). 

Nguyên nhân của sự gia tăng phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng buộc phải cắt giảm các hoạt động xã hội và dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Riêng về trầm cảm, cô đơn, chính phủ Nhật Bản đã thành lập riêng một văn phòng phụ trách giải quyết các vấn đề này do ông Tetsushi Sakamoto phụ trách. 

Nhiệm vụ của Văn phòng là kết nối các Bộ, ngành liên quan để giúp đỡ, hỗ trợ người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng. Mô hình sống cùng người cùng tuổi trong những năm tháng xế chiều đang là mô hình sống mới tại Nhật Bản. Sau khi về già, có thể cùng bạn bè nói chuyện, tâm sự mọi chuyện trong cuộc sống sẽ làm cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Trong những ngày tháng hưởng già ấy, mỗi người tìm cho mình niềm vui mới trong cuộc sống.

Mặc dù trầm cảm, cô đơn đang ngày càng trở nên đáng báo động ở Nhật Bản, song mặt tích cực hiếm hoi của vấn đề này, là làm cho người cao tuổi Nhật Bản có động lực làm việc hơn. 40,2% người cao tuổi Nhật Bản tham gia khảo sát trả lời rằng họ muốn tìm kiếm công việc hoặc tiếp tục công việc đang có. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. 

Theo luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi sửa đổi có hiệu lực tháng 4/2021, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động đến năm 70 tuổi. Trong số 8,92 triệu lao động ở Nhật Bản là người trên 65 tuổi, có 5,31 triệu người là nam giới và 3,61 triệu người là nữ giới. Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động ngoài góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn với phát triển kinh tế, chế độ an sinh xã hội, còn có mặt tích cực tạo ra sự hài lòng và khẳng định bản thân của người cao tuổi. Rất nhiều người tích cực tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng.
Nguồn: Japan Times, SCMP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm