Giảm nghèo đa chiều cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo

D.H
27/07/2021 19:00
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu thảo luận tại Quốc hội ngày 27/7. Ảnh: Quochoi.vn

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu thảo luận tại Quốc hội ngày 27/7. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên), Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 cần làm thực chất, có hiệu quả, tránh nói kiểu cửa miệng là "đầu tư manh mún, đầu tư dàn trải, gây lãng phí".

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 ngày 27/7, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đánh giá cao các kết quả mà chương trình đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.

Theo ông, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, thể hiện tính ưu việt, nhân văn, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chương trình đã trở thành chính sách nền tảng xuyên suốt được thực hiện qua nhiều giai đoạn, góp phần ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Tuy vậy, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém được rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện, làm cho kết quả không thực sự như mong muốn. Dù mục tiêu là giảm nghèo bền vững, song kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, không đồng đều và tỷ lệ tái nghèo còn cao. Tốc độ giảm nghèo, mặt bằng giáo dục và trình độ dân trí, mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục của đồng bào thiểu số miền núi là rất thấp so với mặt bằng chung.

Từ thực trạng trên, Đại biểu Thích Đức Thiện đề xuất một số kiến nghị, cụ thể:

Thứ nhất, cần tích hợp nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở những vùng đặc biệt khó khăn. 

"Đồng thời, trong quyết định đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần tập trung nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt các nguồn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy hiệu quả, tránh cái mà chúng ta thường nói cửa miệng là "đầu tư manh mún, đầu tư dàn trải, gây lãng phí" - ông cho hay.

Thứ hai, cần phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho phép phát huy sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn này trong thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong chủ động kêu gọi thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh mình theo tư duy nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo ra những ưu đãi đủ sức hút, đủ lực hấp dẫn trong đầu tư.

Thứ ba, cần nhanh chóng thực hiện sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết những vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số về tình trạng thiếu đất sản xuất, kể cả đất ở. Giải quyết các vấn đề về đất rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng là hết sức cấp thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Giảm nghèo phải tránh nói cửa miệng "đầu tư manh mún, đầu tư dàn trải, gây lãng phí". - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thứ tư, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng điện, nước sinh hoạt và hạ tầng công nghệ thông tin tại các vùng đặc biệt khó khăn này, bởi chính sự đầu tư này sẽ dẫn dắt, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo ra cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước, cả thị trường quốc tế. 

Thứ năm, trong nội hàm của giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững cần phải đề cập đến cả khía cạnh thiếu hụt về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số và tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung này đảm bảo sự thành công bền vững và đảm bảo sự ổn định về an ninh, chính trị tại các vùng trọng yếu của Tổ quốc.

Riêng với địa bàn tỉnh Điện Biên, Đại biểu Thích Đức Thiện cho rằng, mảnh đất này còn nghèo đói, không phải không có tiềm năng mà ở đó còn thiếu và rất cần một cơ chế đặc biệt cho vùng Tây Bắc phát triển, phát huy tiềm năng vốn có cho sự bứt phá, phát triển.

"Do đó, Điện Biên mong muốn Trung ương đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ, Quốc lộ 6 kết nối Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Thủ đô Hà Nội, để Điện Biên không chỉ thoát nghèo mà còn phấn đấu trở thành một động lực phát triển cho vùng Tây Bắc. Nguyện vọng này của cử tri xin được chuyển đến Quốc hội và rất mong Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và cử tri sẽ được đáp ứng" - ông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.