Giảng dạy về giá trị gia đình trong nhà trường còn mờ nhạt

Phúc Nguyên
15/08/2021 - 09:32
Giảng dạy về giá trị gia đình trong nhà trường còn mờ nhạt

Ảnh minh họa

Sự thay đổi các giá trị gia đinh trong cuộc sống hiện đại đang đặt ra cho ngành giáo dục thách thức không nhỏ. Là một nội dung quan trọng, vấn đề này đang được giảng dạy thế nào trong nhà trường?

Lồng ghép giá trị gia đình trong môn học và hoạt động trải nghiệm

Nắm bắt được sự thay đổi của giá trị gia đình thời hiện đại chính là "xương sống" để các giáo viên một số bộ môn như Ngữ văn, Giáo dục công dân... có thể lồng ghép trong nội dung môn học.

Khi đề cập đến các vấn đề nổi lên trong cuộc sống gia đình hiện đại, cô Lê Thị Hồng Hoa, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, đó chính là ứng xử của con cái với cha mẹ, với các thành viên trong gia đình. "Tôi từng choáng khi có một học sinh chia sẻ với tôi là: "Bố em bảo, nếu bố không vi phạm pháp luật thì lấy gì mà nuôi cả gia đình?". Điều này nguy hiểm vô cùng trong cách giáo dục con cái, bởi sự mẫu mực của bố mẹ là vô cùng quan trọng"- cô Hồng Hoa nhìn nhận.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Không chỉ chương trình giáo dục công dân, môn Sinh học, Ngữ văn... mà trong các hoạt động trải nghiệm, dạy kỹ năng sống, giáo viên cũng có thể lồng ghép những nội dung về giá trị gia đình.

Một vấn đề khác mà cô Hồng Hoa đưa ra, đó là sự gắn kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, mỗi người chìm đắm trong thế giới riêng. Hay sự xuất hiện của nhiều hình thái mới như gia đình đơn thân, gia đình đồng giới... cũng là những nội dung cần được lồng ghép trong chương trình giáo dục công dân ở cấp THPT. Đây là những vấn đề mới mà không phải giáo viên dạy giáo dục công dân nào cũng có thể linh hoạt lồng ghép vào chương trình giảng dạy. "Điều này đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm, kỹ năng và vốn sống để định hướng cho các em" - cô Hồng Hoa chia sẻ.

Giảng dạy về giá trị gia đình trong nhà trường còn mờ nhạt - Ảnh 2.

Cô giáo Lê Thị Hồng Hoa, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, bên học trò

Giảng dạy về giá trị gia đình trong nhà trường còn mờ nhạt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường

Từng làm quản lý ở một trường THPT nhiều năm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, lâu nay việc giảng dạy về giá trị gia đình trong nhà trường còn khá ít, chưa cập nhật, chưa mang tính hệ thống. "Vì vậy cần có sự vào cuộc của chuyên gia về giới để truyền đạt và giảng dạy cho học sinh. Cách thức đưa nội dung này vào cũng phải có lộ trình, có sự tham gia của nhiều bên".

Theo PGS.TS Trần Xuân Bình, giảng viên khoa Xã hội học và Công tác xã hội, trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, gia đình và nhà trường là hai thiết chế, hai môi trường giáo dục chính thức, đặc trưng của từng thiết chế được bộc lộ rõ rệt và bồ sung cho nhau. Tuy nhiên, thực tế, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn thiếu chặt chẽ, rời rạc, nếu không muốn nói là có sự "khoán trắng" cho nhà trường dạy kiến thức, tri thức phổ thông, còn gia đình thì giáo dục đạo đức.

"Vì thế, chúng ta có cảm giác hai mặt giáo dục, dạy kiến thức và dạy làm người, bị tách rời nhau. Trong mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội, gia đình luôn phải đóng vai trò chủ động tích cực, còn nhà trường là phối hợp và định hướng", PGS.TS Trần Xuân Bình nói.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, muốn giáo dục giá trị gia đình tốt thì gia đình phải là nhân tố chủ động. Bản thân cha mẹ cần thay đổi quan điểm, học để phát triển bản thân chứ không phải học vì điểm số. Bố mẹ phải thấy được vai trò của mình trong giáo dục con cái. Hiện nay, nhiều phụ huynh mải mưu sinh mà thả nổi hoặc áp đặt con thái quá.

"Vai trò của cha mẹ là không thể thay thế được. Nhà trường chỉ là một mắt xích. Khi giá trị gia đình thay đổi càng cần sự vào cuộc của cha mẹ trong định hướng, giáo dục con, giúp con hiểu và vững vàng trước những thay đổi của cuộc sống", TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Bài sau: Nghiên cứu xây dựng kho học liệu số để học sinh dễ tiếp cận

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm