pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Giang: Góp sức đẩy lùi tà đạo, mang lại cuộc sống bình yên cho phụ nữ ở Thượng Phùng
Chị Ma Thị Quyên (bìa phải), Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Phùng, cùng đại diện chính quyền xã trong một lần đến nhà vận động anh Sùng Mí Lử bỏ tà đạo
"Ngày đó nếu không có cán bộ đến vận động thì…"
Dẫn chúng tôi đến nhà chị Chía, chị Ma Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Phùng, mang theo mấy bộ quần áo và một ít sữa làm quà cho con gái út của vợ chồng chị Chía. Để vận động chồng chị Chía từ bỏ tà đạo, quay về với phong tục truyền thống của dân tộc Mông, chị Quyên đã nhiều lần đến nhà tuyên truyền, vận động.
Trước đây, do tin lời của kẻ truyền đạo rằng, trước khi đi ngủ để một cân ngô dưới đất và cầu nguyện, sáng mai ngô sẽ đẻ ra ngô, không cần làm cũng đủ ăn nên anh Sùng Mí Lử, chồng chị Chía, không thiết tha lao động, sản xuất. Cũng từ ngày ấy, gia đình 9 người này hiếm khi có một bữa cơm tử tế.
"Mình theo đạo từ năm 13 tuổi, thực ra cũng muốn quay về từ lâu rồi nhưng lại sợ bị ốm đau, bệnh tật nếu mình bỏ đạo. Nhưng giờ thấy vợ con khổ quá, mình quyết định bỏ đạo", anh Lử nói.
Cũng là nạn nhân của việc chồng theo tà đạo, chị Mua Thị Sùng (sinh năm 1971, ở thôn Thín Ngài, xã Thượng Phùng) từng phải sống trong cảnh khó khăn, túng quẫn nhiều năm liền. Đỉnh điểm là cách đây 3 năm, chị Sùng bị ốm, do chồng tin vào tà đạo nên không đưa vợ đến bệnh viện thăm khám.
Tới khi bệnh trở nặng mà vẫn không thấy "phép màu nào chữa khỏi", chị Sùng mới được đưa đến bệnh viện. May mắn là chị Sùng đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời. Sau lần đó, anh Ly Mí Chả, chồng chị Sùng, quyết định bỏ tà đạo.
"Ngày đó nếu không có cán bộ Hội phụ nữ và Bộ đội Biên phòng đến vận động chồng đưa mình đi bệnh viện thì chắc không qua khỏi được. Trước đây, trong làng có đám xá, tôi cũng không được mời, cảm giác buồn tủi lắm. Bây giờ thì khác rồi, tôi còn được tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ", chị Sùng chia sẻ.
Đồng hành cùng chị em xây dựng cuộc sống mới
Thượng Phùng là xã biên giới của huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), có đường biên giới dài 16,043km. Toàn xã hiện có 935 hộ, với 5.459 nhân khẩu, trong đó, 90% dân số là người dân tộc Mông.
Tà đạo "San sư khẻ tọ" bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 1997 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1999-2000. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an và các cấp chính quyền, đến hiện tại, 100% hộ gia đình trước kia theo tà đạo "San sư khẻ tọ" của xã Thượng Phùng đã tự nguyện từ bỏ tà đạo, quay lại phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.
Theo chị Ma Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Phùng, không chỉ làm suy kiệt kinh tế gia đình, việc tin theo tà đạo "San sư khẻ tọ" còn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, hạnh phúc gia đình.
Ở những gia đình có người tin theo tà đạo, không chỉ bản thân người đó mà người thân cũng bị tách ra khỏi những sinh hoạt cộng đồng, để rồi nghèo đói và sợ hãi cứ thế đeo bám họ. Chính vì vậy, trong những hoạt động của mình, Hội LHPN xã Thượng Phùng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em trong gia đình có người theo tà đạo.
"Với những gia đình chưa trở về với phong tục truyền thống, chúng tôi kiên trì tuyên truyền, vận động để họ hiểu rõ những luận điệu sai trái của tà đạo. Bên cạnh việc tuyên truyền, chúng tôi cũng chú trọng lồng ghép các nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế để chị em thấy họ không bị bỏ lại phía sau", chị Quyên cho biết.
Cũng theo chị Quyên, để đảm bảo đời sống cho chị em, giúp họ và gia đình sớm hòa nhập với cộng đồng sau khi từ bỏ tà đạo, cán bộ Hội LHPN xã cũng như đội ngũ ở chi, tổ thường xuyên vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, các buổi truyền thông về chính sách, pháp luật của nhà nước, hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn.
"Vào vụ mùa, cán bộ Hội và các hội viên trong Chi hội phụ nữ thôn cùng đến để giúp chị em cuốc nương làm ngô, trồng đỗ. Chỉ là những việc nhỏ thôi nhưng giúp chị em gỡ bỏ mặc cảm, tự ti, trở lại với cuộc sống cộng đồng", chị Quyên nói.
Những người theo tà đạo "San sư khẻ tọ" thường dựng biểu tượng hình chữ thập trong nhà. Khi theo tà đạo, người đó từ bỏ phong tục, tập quán của dân tộc mình, dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên; trong nhà khi có người ốm đau thì không đưa đi khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện mà chỉ ở nhà cầu nguyện.