Hà Giang: Trồng rau an toàn cho học sinh giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thị trường ổn định

17/09/2022 14:31
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xuất phát từ nhu cầu mua rau củ quả cho bữa ăn của học sinh bán trú, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã khởi tạo mô hình "Tổ phụ nữ liên kết trồng và cung ứng rau sạch cho trường bán trú".

Mô hình "Tổ phụ nữ liên kết trồng và cung ứng rau sạch cho trường bán trú" của Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) được triển khai thực hiện ở 17 Tổ phụ nữ liên kết với 328 thành viên. Bắt đầu hình thành và triển khai từ tháng 6/2021.

Mô hình đã có rau cung ứng vào thị trường các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Đến tháng 5/2022 đã cho ra 32.612 tấn rau củ quả, mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng cho các hội viên.

Làm kinh tế từ mô hình liên kết tổ hợp tác rau an toàn - Ảnh 1.

Mô hình đã có rau cung ứng vào các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

Theo bà Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì, hoạt động của Tổ phù hợp với chủ trương định hướng phát triển kinh tế cho người dân của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng. Từ khi mới ra đời, mô hình nhận được sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các xã trong việc vận động hội viên thực hiện quy chế hoạt động đã ký kết với nhà trường; sự đồng tình ủng hộ từ phía Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện mô hình liên kết theo tổ.

Các sản phẩm rau sạch của địa phương được các đơn vị trường học tin tưởng sử dụng, đồng thời phía nhà trường đã hỗ trợ, định hướng, dự báo cho Hội viên nhu cầu rau củ quả theo từng giai đoạn, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Làm kinh tế từ mô hình liên kết tổ hợp tác rau an toàn - Ảnh 2.

Người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại rau địa phương.

Thuận lợi hơn nữa là người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại rau địa phương, có nguồn lực, đất đai, nguồn nước tưới, phân bón ổn định. Các thành viên tham gia tổ theo tinh thần tự nguyện nên việc vận động, nhắc nhở, góp ý từ các cơ quan phối hợp, các ngành chuyên môn luôn được thành viên tổ tiếp thu, điều chỉnh một cách tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai ở một số địa phương còn khắc nghiệt dẫn đến việc các sản phẩm rau củ quả có khi chưa đạt chất lượng, số lượng theo yêu cầu của nhà trường.

Cùng với đó là đặc thù tập quán canh tác, một số nơi người dân còn e dè, chưa tích cực, chủ động tham gia Tổ. Một số thành viên tổ chưa mạnh dạn trong việc thử nghiệm trồng các loại giống rau mới và một số tổ hoạt động chưa hiệu quả...

Làm kinh tế từ mô hình liên kết tổ hợp tác rau an toàn - Ảnh 3.

Hội LHPN xã phối hợp với cán bộ khuyến nông xã thường xuyên theo dõi và hỗ trợ thành viên tổ chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì, đa số chị em hội viên tổ liên kết là dân tộc thiểu số sống tại vùng núi Hoàng Su Phì. Ngay từ đầu năm học học 2021 - 2022, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã phối hợp với các đơn vị trường học đóng trên địa bàn về nhu cầu chủng loại, số lượng rau dự kiến sẽ dùng cho học sinh; phân công các thành viên trồng các loại rau theo nhu cầu của nhà trường theo hướng chuyên canh, mỗi thành viên phụ trách canh tác một loại rau.

Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN xã phối hợp với cán bộ khuyến nông xã thường xuyên theo dõi và hỗ trợ thành viên tổ chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh. Việc cung ứng rau được phía nhà trường và tổ thống nhất rõ ràng về quy cách, giá cả, thời gian,vận chuyển, hình thức thanh toán.

Làm kinh tế từ mô hình liên kết tổ hợp tác rau an toàn - Ảnh 4.

Hoạt động của Tổ liên kết đã giúp cho sản phẩm rau củ quả của người dân tiếp cận được với thị trường tiềm năng, ổn định, lâu dài.

Qua hoạt động cung ứng trong 1 năm học giữa nhà trường và các tổ liên kết, mô hình đã mang lại giá trị về kinh tế, đồng thời tạo ra một môi trường phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên.

Hoạt động của Tổ liên kết đã giúp cho sản phẩm rau củ quả của người dân tiếp cận được với thị trường tiềm năng, ổn định, lâu dài. Sau một năm thực hiện, số lượng rau củ quả đáp ứng còn ở mức thấp so với tổng nhu cầu của các đơn vị trường, vẫn cần số lượng lớn rau củ.

Vì vậy, trong thời gian tới, Tổ cũng hướng tới mục tiêu 100% các sản phẩm rau củ quả của địa phương sẽ cung ứng đủ cho các đơn vị trường học trong toàn huyện. Đồng thời, Hội LHPN huyện sẽ xây dựng kế hoạch làm việc với chính quyền các xã, thị trấn nhất là ở những cơ sở có mức cung ứng thấp và đơn vị trường học để tìm nguyên nhân, thống nhất đưa ra giải pháp phù hợp. Phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ các tổ liên kết về kỹ thuật canh tác, gối vụ, đưa vào các giống rau củ quả mới nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú các chủng loại, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của học sinh- Chủ tịch Hội LHPN huyện khẳng định.

Liên hệ: "Tổ phụ nữ liên kết trồng và cung ứng rau sạch cho trường bán trú" Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì

Địa chỉ: Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Điện thoại: 0916865186

Facebook: https://www.facebook.com/hoiphunuhuyenhoangsuphi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.