Hạnh phúc bên chiếc xe lăn

26/07/2017 - 09:18
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh có 97 thương binh nặng điều dưỡng có thương tật gần 100%; người cụt 2 tay, người chấn thương cột sống, liệt nửa người phải gắn cả đời với xe lăn. Tuy nhiên, hạnh phúc vẫn đâm chồi ở chính nơi này...
vo-chong-thuong-binh-tu-phuong-2.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương cần mẫn chăm sóc chồng thương binh suốt hơn 30 năm qua 

Căn hộ trong khu tập thể Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành của gia đình thương binh Phạm Hồng Tư được xây mới 2 năm nay đã khang trang, rộng rãi hơn. Ông Tư ngồi lọt thỏm giữa ngồn ngộn các loại đồ điện, điện tử. Từ cái vợt muỗi, đến quạt điện hay đài bán dẫn ông đều nhận sửa để có nguồn thu nhập nuôi sống cá gia đình.

Sinh ra ở thị xã Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, mới 20 tuổi, chàng trai Phạm Hồng Tư nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1979, khi đang dò mìn, mở đường, ông trúng mìn và không còn khả năng chiến đấu. Trở về điều dưỡng tại quân đoàn với mảnh mìn găm vào xương sống, bị liệt vĩnh viễn 2 chân và mất sức 91%.

Một năm sau, anh Tư được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương đang làm điều dưỡng viên tai đây. Hằng ngày trực tiếp chăm sóc anh, ân cần chăm từng bữa ăn, cốc nước, đỡ anh di chuyển lên chiếc xe lăn, chị cũng dần bén duyên với chàng thương binh trẻ có khuông mặt thư sinh. Chị Phương quyết tâm đến với anh Tư dù bị gia đình phản đối. Cuộc sống khó khăn, “kiếm được tấm chồng còn có nơi dựa vai gánh vác cho cả nhà. Chứ lấy chồng lại thêm người để hầu hạ”, mọi người trong nhà chị ra điều không thuận.

Ngày anh chị quyết tâm dắt nhau về ra mắt, khó khăn chưa phải ở phía gia đình; mà ở quãng đường từ Thuận Thành về Khoái Châu (Hưng Yên) với 40 km đường đất đá. Chị đi xe đạp phía trước, anh cần mẫn kéo cần xe lăn đi đằng sau. Về đến nhà chị giữa trời nắng chang chang, quần áo ướt đẫm mồ hôi bám bụi đỏ. Cả nhà ai cũng thương, cảm động mà không nỡ cản ngăn.

Đôi vợ chồng Tư - Phương sinh con đương thời bao cấp, chế độ tem phiếu không đủ sống cho cả gia đình. Thương chồng, thương con, chị Phương cố gắng làm lụng ở Trung tâm điều dưỡng, chiều tối về lại đi thu gom nước gạo, thân chuối về nấu cám cho lợn. Chị tâm sự, những ngày trái gió trở trời, vết thương đau nhức hành hạ, cả đêm chồng vật vã lăn trở. Thương chồng mà lặng lẽ rơi nước mắt, cũng chỉ biết nắn chân, bóp tay cho dịu cơn đau và thủ thỉ động viên chồng. Lấy chồng thương binh, là xác định khó khăn nhân đôi. Nhưng với chị, đó lại là niềm hạnh phúc, là tất cả những gì chị quý giá và trân trọng hơn 30 năm qua. Đến nay, cuộc sống cũng đủ đầy hơn, nhà cửa khang trang hơn và con trai đã vào làm ở công ty viễn thông lớn tại Hà Nội. Cuộc sống như đã vẹn tròn…

Ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh

Rất nhiều trường hợp nam thương binh nặng được điều dưỡng tại Trung tâm đã yêu thương và tìm được hạnh phúc riêng của mình với nữ cán bộ, hộ lý làm việc tại đây. Họ đã sống hạnh phúc qua gần 40 năm, sinh con đẻ cái và vượt qua mọi trở ngại thương tật, khó khăn về kinh tế để nuôi con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.

Tuy nhiên, tại Trung tâm vẫn còn hơn 20 thương binh cả nam và nữ vẫn còn “phòng không gối chiếc”. Phần đời còn lại vẫn phải gắn với trung tâm vì bệnh nặng không thể về nhà điều dưỡng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm