Hành vi mạo danh tổ chức, cán bộ y tế có thể bị xử lý hình sự

Linh Trần
22/04/2021 - 12:37
Hành vi mạo danh tổ chức, cán bộ y tế có thể bị xử lý hình sự

Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội có tên gần giống với BV Trung ương Quân đội 108

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã cảnh báo về việc bị một số cơ sở lợi dụng hình ảnh, uy tín để trục lợi. Theo các chuyên gia, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tiến hành xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Lý do xử lý là thẩm mỹ viện này đã có hành vi thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, đồng thời lợi dụng tên tuổi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lừa dối khách hàng.

Theo giấy phép kinh doanh do UBND quận Nam Từ Liêm cấp, Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội chỉ được làm đẹp da không xâm lấn. Tuy nhiên, cơ sở này đã quảng cáo và thực hiện nhiều kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn như căng da mặt, làm mắt, nâng mũi... Trong khi đó, theo quy định, chỉ có phòng khám hoặc bệnh viện (BV) có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới được thực hiện các can thiệp xâm lấn cơ thể, còn các thẩm mỹ viện, spa thì không được phép. Cũng vì tin tưởng và nghĩ đây là một cơ sở của BV Trung ương Quân đội 108, nhiều người có nhu cầu làm đẹp đã đến và thực hiện các can thiệp xâm lấn. Trong đó, không ít người bị biến chứng phẫu thuật. Một nạn nhân cho biết, do thấy bên ngoài ghi số 108 rất to nên đã vào thẩm mỹ viện này và được tư vấn. Không những thế, khi người này yêu cầu một bác sĩ của BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện thì cũng được thẩm mỹ viện đồng ý. Tuy nhiên, khi thực hiện can thiệp thì không phải bác sĩ được yêu cầu.

Về vấn đề này, BV Trung ương Quân đội 108 khẳng định, đơn vị chỉ có một cơ sở duy nhất ở địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngoài ra, BV không có cơ sở hay phòng khám nào khác. BV cũng cho biết, thời gian qua, BV nhiều lần bị mạo danh trên mạng xã hội để quảng cáo bán thuốc Đông y, thực phẩm chức năng. BV đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng không nên tin theo để tránh tiền mất tật mang.

Trước đó, nhiều BV khác như BV Da liễu Trung ương, BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cảnh báo về việc bị lợi dụng hình ảnh để tư vấn bán thực phẩm chức năng, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các BV đã báo với cơ quan chức năng để xử lý các fanpage vi phạm.

Mạo danh bác sĩ để bán thực phẩm chức năng

Không chỉ các cơ sở y tế, nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành cũng bị lợi dụng hình ảnh, tên tuổi để quảng cáo. GS.Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (BV Xanh Pôn), cho biết, ông đã bị một cơ sở thẩm mỹ ở Hải Phòng lợi dụng hình ảnh và tên tuổi của mình dưới hình thức hợp tác. Ngoài ra, hình ảnh và danh tiếng của ông còn bị lợi dụng để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa. Trong khi đó, ông không hợp tác với bất kỳ cơ sở y tế tư nhân nào.

Hành vi mạo danh tổ chức, cán bộ y tế có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 2.

Một nạn nhân bị biến chứng do làm đẹp được cấp cứu tại BV Việt Đức Ảnh: Linh Trần

TS. Phạm Thị Việt Dung (BV Bạch Mai) cho biết, bác sĩ cũng bị mạo danh để tư vấn bán thực phẩm chức năng và làm đẹp. Có khách hàng tưởng đó là trang facebook cá nhân của bác sĩ Dung nên đã nhắn tin trao đổi. Sau đó, trang facebook này yêu cầu khách hàng gửi ảnh ngực, bụng, mặt rồi mới tư vấn. Bác sĩ Dung sau đó đã phải lên tiếng cảnh báo cộng đồng về vấn đề này.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm. Cục đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần, đồng thời xử phạt một số cơ sở sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của sản phẩm theo quy định. Thậm chí, rút giấy phép đối với các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân. Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay BV điều trị, kê đơn, bán thuốc. Khi có nhu cầu làm đẹp, người dân nên đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để thực hiện.

Theo luật sư Nguyễn Thị Vinh, Đoàn Luật sư Hà Nội, mạo danh người khác để trục lợi là hình vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hình thức vi phạm, tính chất nguy hiểm, mức độ hậu quả gây ra mà đối tượng mạo danh có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện dân sự. Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Còn theo Điểm g, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi giả mạo bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế để "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, trường hợp đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh người khác để gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc chung thân. Nếu hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều trên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội theo quy định Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi này.

Trường hợp nếu bán dược phẩm, mỹ phẩm là hàng giả, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 11, Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi buôn bán thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tùy theo số lượng và giá trị của hàng hóa. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trong trường hợp mạo danh dược sĩ, bác sĩ hay cơ quan tổ chức như BV, phòng khám để buôn bán hàng thật thì có thể bị xử lý hình sự với tội "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015. Trong trường hợp này, việc mạo danh bác sĩ, dược sĩ đã vi phạm các quy định về bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác như không có trình độ, bằng cấp về dược học, y học, bán thuốc theo quy định của nhà nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm