pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hệ thống y tế chưa đủ “miễn dịch” trước sữa giả, thuốc giả

Những vụ phát hiện thuốc giả, sữa giả liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng
Tại sao sữa giả lọt được vào bệnh viện?
Sau thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã rà soát, phát hiện 2 sản phẩm sữa (Hofumil Gold Plus và Hapomil) được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục sản phẩm của 2 công ty trong đường dây nêu trên.
Có người nhà mổ u mỡ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được nhân viên y tế tư vấn uống sữa Hofumil Gold Plus, chị Nguyễn Thị Thắm (Nghệ An) lo lắng khi phát hiện loại sữa trên nằm trong danh sách các sản phẩm của công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui.
"Điều cả gia đình tôi khó hiểu là tại sao các sản phẩm sữa của các công ty này lại lọt được vào bệnh viện? Mua sữa ở bệnh viện trung ương còn không chuẩn thì không biết mua ở đâu, người bệnh mới yên tâm?", chị Thắm bức xúc.
Mới đây, người tiêu dùng phát hiện vị bác sĩ nguyên là Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia xuất hiện trong video giới thiệu Công ty Hacofood Group, 1 trong 2 doanh nghiệp chính trong đường dây sữa giả, đã sản xuất nhiều sản phẩm như: Sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi, The Empire, Kawai, Gumi Colos 24h Baby...
Trong video, vị bác sĩ này "đánh giá rất cao" Hacofood và nói "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA", rằng "sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí nghiêm ngặt, khắt khe".
"Bên cạnh sữa giả, mới đây, một đường dây thuốc giả bị triệt phá cũng khiến người tiêu dùng hoang mang. Nếu không kiểm soát chặt các sản phẩm, không thực hiện đúng quy định kê đơn trong bệnh viện thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân, kinh tế gia đình họ mà còn khiến niềm tin vào hệ thống y tế bị xói mòn", TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, cho hay.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn phát thông báo dừng tư vấn và thu hồi sữa Hapomil - một trong những loại sữa của công ty sản xuất sữa giả đang bị công an điều tra Ảnh: BVĐK Bắc Kạn
Công tác quản trị và trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện
PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cảnh báo, nhiều loại sữa được quảng cáo có thành phần cao cấp nhưng thực tế chỉ đạt dưới 70% hàm lượng dinh dưỡng đã công bố.
Sữa giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là người bệnh và trẻ nhỏ. Do đó, việc sữa giả lọt được vào bệnh viện là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ khâu đấu thầu của các bệnh viện.
Theo TS. Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam, "hàng rào" đầu tiên để các sản phẩm dinh dưỡng tiếp cận hệ thống y tế chính là sự tham mưu chuyên môn từ lãnh đạo khoa dinh dưỡng, bao gồm kiểm duyệt độ uy tín ở trong nước và trên thế giới của công ty sản xuất, công thức dinh dưỡng có theo các khuyến cáo chuẩn về dinh dưỡng lâm sàng hay không.
Sau đó là khâu xem xét hồ sơ đăng ký chất lượng và thực hiện quy định đấu thầu. Khâu kiểm duyệt ban đầu càng kỹ lưỡng thì nguy cơ hàng kém chất lượng lọt vào bệnh viện càng thấp.
Với thực phẩm chức năng, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể khiến người bệnh vừa gánh rủi ro, vừa tốn kém. Vì vậy, cần siết chặt việc kê đơn thuốc, ngăn chặn việc bác sĩ, dược sĩ lợi dụng uy tín chuyên môn để giới thiệu thực phẩm chức năng như một phần trong phác đồ điều trị. "Không để xảy ra trường hợp người bệnh chỉ chi 3 đồng cho thuốc nhưng lại tốn tới 7 đồng cho thực phẩm chức năng không rõ hiệu quả".
TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định, bác sĩ không được kê đơn thực phẩm chức năng, thực phẩm trong toa thuốc. "Nếu bác sĩ kê đơn chưa đúng, tùy theo hình thức vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng", ông Đức nhấn mạnh.
Sữa giả, thuốc giả có xâm nhập được vào bệnh viện hay không sẽ liên quan tới công tác quản trị của đơn vị. Trong đó, giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm và đưa ra quy chế trong kê đơn, bán thuốc, cung cấp các dịch vụ trong bệnh viện.
"Nếu phát hiện đơn vị nào, cá nhân nào tiếp tay để sữa giả, thuốc giả vào bệnh viện sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm", ông Đức khẳng định.
Bộ Y tế đang quyết liệt chỉ đạo các bệnh viện rà soát thuốc giả, sữa giả, chấn chỉnh việc nhân viên tư vấn bán sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra phát hiện. Theo đó, các bệnh viện cần giám sát chặt chẽ việc quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, kê đơn hay hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc (như sữa, thực phẩm chức năng) nhưng lại đưa ra thông tin về phòng, chữa hoặc chẩn đoán bệnh, điều trị, giảm nhẹ bệnh, hoặc điều chỉnh chức năng cơ thể...
Bộ Y tế nhấn mạnh không được lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo sai sự thật, đồng thời yêu cầu các bệnh viện đảm bảo hoạt động dinh dưỡng đúng quy định.