pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hình ảnh người lính gác đảo Trường Sa - biểu tượng thiêng liêng mỗi khi nhớ về
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trong một lần đến thăm đảo
Trong những chuyến công tác hay tham quan biển đảo, người ta hay muốn chụp ảnh với những người lính gác, đa phần là để lưu giữ kỷ niệm, và cũng để đánh dấu nơi mình đã đến. Bởi những vị trí đó đều ghi tên địa danh, hoặc giả nhìn ảnh là biết ngay ở đâu. Ở những cột mốc ấy, người lính gác luôn đứng nghiêm nghị, mắt nhìn ra phía xa. Gió và nắng biển làm cho khuôn mặt họ đen sạm lại, và mỗi khi du khách đến chụp hình cùng, họ lại nở một nụ cười vừa đủ hiền hậu.
Tôi cũng không ngoại lệ, cũng xin được chụp cùng người lính gác trên đảo Trường Sa. Bởi với tôi, có thể đó sẽ là khoảnh khắc duy nhất không trở lại. Người lính ấy sau thời gian làm nhiệm vụ canh gác sẽ chuyển sang công tác khác, hoặc sẽ xuất ngũ về sống cuộc đời dân sự. Nhưng trái đất thì tròn, hơn nữa ngày hôm nay nhờ internet nên việc gặp lại nhau không có gì khó, không cần duyên nữa mà chỉ cần tình là đủ.
Tôi có cảm giác rằng, chỉ cần được ra với biển đảo một lần, chắc chắn nhiều người sẽ có cảm nhận rất khác về hình ảnh người lính gác đứng hiên ngang trong nắng gió biển khơi - một biểu tượng rất đỗi thiêng liêng, nhiều khi từ ngữ bất lực để tả sự hiên ngang ấy, mà chỉ có thế đến và cảm nhận.
Nhiều lúc chỉ cần tưởng tượng ra một cảnh mà tất cả đều không muốn rằng nếu có chuyện gì đó, thì mục tiêu của kẻ thù đầu tiên sẽ chính là những người lính gác ấy. Lính gác luôn mang trên mình trách nhiệm nặng nề nhất, và không phải tự nhiên tân binh luôn phải trải qua việc này, vừa rèn luyện cho mình tính kỷ luật, sự tập trung và cả lòng quả cảm, những tố chất cần có để trở thành người lính đúng nghĩa.
Thử tưởng tượng xem, nếu là lính gác ở biên giới, rét thì còn có quần áo lạnh đỡ phần nào, chứ trên đảo chịu nắng gió, không cách nào khác là chỉ cắn răng mà chịu. Cái nắng trên đảo phía Nam của đất nước ta vào mùa khô luôn bỏng rát, chỉ đứng ngoài nắng một lúc là có cảm giác như có ai đó đem cả một Hỏa Diệm Sơn lại gần mình. Ai đó sẽ nói rằng, làm lính là phải vậy, tất cả đều sẽ quen hết, thế nhưng nếu đó là lời của những người lính thì không sao. Còn nếu không phải, thì là một sự vô tâm và thiếu tình người. Chẳng một người bình thường nào lại thản nhiên với "hy sinh" của đồng bào mình cả.
Tôi quan sát những người lính gác và nhận ra sự bình thản trong đôi mắt của họ. Sự bình thản ấy đem lại cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đó có thể là cảm giác yên tâm với quân đội, rằng chủ quyền biển đảo của chúng ta không có gì phải lo cả, bởi để chiến thắng được những người lính này, e rằng là quá khó với bất cứ một đội quân nào khác. Đó cũng có thể là cảm giác gần gụi và muốn chia sẻ những vất vả của những người lính ấy, không chỉ bằng những lời nói an ủi mà còn bằng cách đóng góp cho tổ quốc sức lực nhỏ bé của mình và bằng những hành động nhỏ bé. Đó có khi lại là cảm giác kiêu hãnh bởi cha ông ta có một bề dày vẻ vang dựng nước và giữ nước, và truyền thống đó không hề mất đi mà được truyền lần lượt qua từng thế hệ.
Có những du khách đến đảo, và nhất là kiều bào ở xa Tổ quốc, khi tận mắt chứng kiến những người lính gác, đều có ước muốn sao cho cuộc sống vật chất của họ khá lên, chế độ đãi ngộ tốt hơn. Những lời ấy, tiếc thay, nhiều khi lại chỉ được thốt lên khi người ta tận mắt chứng kiến hình ảnh những người lính gác trên đảo.
Ngay khi tàu rời đảo Trường Sa để trở về đất liền, hình ảnh mà tôi nhắm mắt lại vẫn là những người lính gác. Hình ảnh ấy hiên ngang sừng sững vừa để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, vừa gần gụi, bởi đó là hình ảnh của người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam.