Hộ chiếu vaccine: "Chìa khóa" cho sự phục hồi kinh tế hay tiềm ẩn bất bình đẳng xã hội?

Nhu Thụy
24/03/2021 - 09:32
Hộ chiếu vaccine: "Chìa khóa" cho sự phục hồi kinh tế hay tiềm ẩn bất bình đẳng xã hội?
Nhiều nước đang đề xuất sử dụng hộ chiếu vaccine nhằm chứng minh người dân đã được tiêm chủng để nhập cảnh làm việc, du lịch. Điều này liệu sẽ là "chìa khóa" cho sự phục hồi kinh tế hay chứa đựng rủi ro về lây nhiễm và bất bình đẳng xã hội?

Từ ý tưởng của các nước giàu

Hiện nay trên thế giới, hàng triệu người đang được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày. Nhằm đưa cuộc sống trở về quỹ đạo bình thường sớm nhất có thể, nhiều nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đã đề xuất triển khai sử dụng hộ chiếu vaccine (hay thẻ tiêm chủng).

Đây là tài liệu chứng minh một người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Một số phiên bản khác của hộ chiếu vaccine cũng giúp người dân chứng minh họ đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, từ đó có thể đi lại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Cuộc tranh luận chưa có hồi kết về hộ chiếu vaccine - Ảnh 1.

Cụm từ "hộ chiếu vaccine" đang được nhắc tới ngày một nhiều khi cả thế giới đang học cách sống chung với dịch Covid-19.

Để người dân thuận tiện trong việc du lịch quốc tế, chính phủ và các cơ quan y tế cần biết liệu hành khách đã được tiêm chủng hay xét nghiệm âm tính với virus hay chưa. Nhiều quốc gia đã yêu cầu khách du lịch phải có xét nghiệm âm tính mới được phép nhập cảnh. Trung Quốc vừa triển khai chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp "hộ chiếu vaccine" cho công dân, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm kháng thể và axit nucleic.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, chứng nhận đang được triển khai nhằm giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới. Hộ chiếu vaccine của Trung Quốc, được cấp cả dưới dạng bản cứng và bản điện tử, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm...

Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến trình bày các đề xuất về một loại "thẻ đi lại số hóa" cho công dân EU, gọi là "Thẻ xanh kỹ thuật số". "Thẻ xanh" này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân EU muốn di chuyển xuyên biên giới, một khi họ thuộc đối tượng đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, dạng hộ chiếu điện tử này sẽ chứa đựng một số thông tin chi tiết, cho biết người được cấp đã tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với những người chưa được tiêm ngừa, cũng như quá trình phục hồi với số người từng nhiễm SARS-CoV-2. Thẻ này sẽ giúp công dân EU di chuyển an toàn trong khối hoặc ra nước ngoài với mục đích làm việc hay đi du lịch. Một số quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển đang phát triển hộ chiếu vaccine.

Bà Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ ưu tiên mở cửa du lịch trong phạm vi EU trước tiên, theo đó người châu Âu có thể đặt phòng khách sạn và khu nghỉ dưỡng trước các quốc gia khác.

Israel, Australia cũng đã thực hiện chương trình hộ chiếu vaccine nội địa, cho phép những ai đã tiêm vaccine mới được tiếp cận các phòng tập thể dục, các buổi hòa nhạc và địa điểm công cộng khác. Thái Lan đang cân nhắc việc thực hiện một hệ thống hộ chiếu vaccine nhằm khởi động ngành du lịch trong năm nay.

Cuộc tranh luận chưa có hồi kết về hộ chiếu vaccine - Ảnh 2.

Hộ chiếu vaccine

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch hàng không quốc tế (IATA) với thành viên gồm 290 hãng hàng không, dự kiến ra mắt một ứng dụng du lịch, trong đó cho phép cơ quan nhập cảnh và hãng hàng không thu thập và chia sẻ chứng nhận tiêm vaccine cũng như kết quả xét nghiệm Covid-19. Singapore Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng ứng dụng này trên các chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) từ ngày 15/3. Trong vòng 2 tháng tới, sẽ có khoảng 30 hãng hàng không thí điểm ứng dụng này.

Phụ nữ mang thai có thể phải gánh chịu thiệt thòi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine bởi còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế.

Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm và WHO tới giờ vẫn còn lấn cấn ở một điểm chưa biết về những người đã được tiêm vaccine có thể hay không thể lây bệnh cho người khác mặc dù các dữ kiện ban đầu cho thấy nguy cơ lây là thấp.

Giải thích cho việc phản đối hộ chiếu vaccine, tiến sĩ Deepti Gurdasani, một nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary ở London (Anh), cho rằng, chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học rằng hộ chiếu vaccine có thể hoàn toàn chứng minh một người đã miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Đồng thời ông nhận định, vaccine phòng Covid-19 cũng chưa chắc ngăn ngừa miễn dịch đối với một số biến thể xuất hiện tại các quốc gia.

Một số nhà lãnh đạo của WHO bày tỏ lo ngại, việc cho phép những người đã tiêm vaccine được tự do đi lại trong khi vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới và buộc những người khác phải tuân thủ cách ly y tế có thể dẫn tới sự kỳ thị.

Mặt khác, hộ chiếu vaccine có thể gây ra những chia rẽ về mặt chính trị - xã hội khi vaccine được ưu tiên cấp cho những nước phát triển và những người có vị thế cao trong xã hội, từ đó tạo ra bất bình đẳng giữa những người đã được tiêm vaccine và những người chưa được tiêm vaccine.

Không ít nhà phân tích lo ngại, nếu hộ chiếu vaccine sớm được phát hành, các nước giàu lại là các nước chiếm ưu thế hơn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải "vật lộn" để có được nguồn cung vaccine và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau.

Bà Nicole A. Errett, một chuyên gia y tế công cộng của trường Đại học Washington (Mỹ), cho biết: "Nếu vaccine trở thành giấy thông hành để có được những quyền lợi đặc biệt, thế giới sẽ thấy những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 bị bỏ lại phía sau".

Rất có thể một người có chứng nhận tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine sẽ được ưu tiên trao cơ hội việc làm, trong khi có cả một bảng danh sách chờ với nhiều ứng viên khác. Đó cũng có thể là những bất lợi, thiệt thòi mà phụ nữ mang bầu phải gánh chịu, khi họ là đối tượng không thể tiêm vaccine.

Còn tiến sĩ Clare Wenham, trợ lý giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại trường Kinh tế London (Anh), cho rằng: "Từ góc độ đạo đức, hộ chiếu vaccine là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bạn sẽ tạo ra một hệ thống hai cấp và lịch sử cho thấy rằng khi bạn tạo ra sự chia rẽ trong xã hội, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn. Đó là sự phân biệt chủng tộc".

Nguồn: Theo Blooberg, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm