Hỗ trợ người dân ảnh hưởng COVID-19: Nhiều sáng kiến giúp nhóm dễ bị tổn thương

Hải Yến
21/12/2021 - 12:56
Hỗ trợ người dân ảnh hưởng COVID-19: Nhiều sáng kiến giúp nhóm dễ bị tổn thương
Trong cứu trợ COVID-19, nhiều sáng kiến đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ kịp thời tới các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như nhóm nữ lao động di cư, người khuyết tật, người nghèo, và những nhóm gặp khó khăn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ chính thức của chính phủ.

Áp dụng công nghệ trong ứng phó khẩn cấp

Tại Hội thảo "Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19: Bài học từ thực tiễn" do Viện LIGHT tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực tế cứu trợ COVID-19, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp nhiều bên và áp dụng công nghệ trong ứng phó khẩn cấp.

Thời gian qua, các chính sách cứu trợ của Chính phủ với người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được đánh giá cao nhưng các đại biểu đều cho rằng, vẫn tồn tại những khoảng trống liên quan đến khía cạnh giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương cần được cải thiện.

Đặc biệt, trong cứu trợ COVID-19, nhiều sáng kiến từ các tổ chức xã hội và khối doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thông qua việc vươn tới các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như nhóm nữ lao động di, người khuyết tật, người nghèo, và những nhóm gặp khó khăn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ chính thức của chính phủ.

Đó là các sáng kiến như Bản đồ SOSmap, hay còn gọi là "bản đồ cứu trợ", do nhóm công nghệ XTEK cùng Viện Khoa học Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ cục ngoại tuyến - Bộ Công an phát triển. Đây là ứng dụng cho phép người dân gặp khó khăn có thể cập nhật tình hình và gửi lời yêu cầu giúp đỡ của mình trực tuyến theo thời gian thực; qua đó, các tổ chức và cá nhân giúp đỡ có thể xác định được vị trí và nhu cầu trợ giúp của người dân kịp thời, tránh chồng chéo. Chỉ trong vòng 1 tháng của đợt giãn cách tại TP Hồ Chí Minh, SOSmap đã giúp hơn 30 nghìn hộ gia đình nhận được hỗ trợ.

Hỗ trợ người dân ảnh hưởng COVID-19: Nhiều sáng kiến giúp nhóm dễ bị tổn thưởng  - Ảnh 1.

Bản đồ của SOSmap ngày 28-7 hiển thị hơn 1.100 người cần hỗ trợ tại TP.HCM. Người dân có thể vào website SOSmap.net hoặc gọi tổng đài 19006448 để đăng ký cho hoặc nhận hỗ trợ...

60% người dân bị tự chối hỗ trợ không liên hệ được với cơ quan thực hiện

Sáng kiến Khảo sát Hỗ trợ người lao động M-score do tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (M.net) kết hợp cùng công ty Công ty Real-Time Analytics (RTA) phát triển. Đây là ứng dụng cho phép người dân phản hồi trực tiếp về việc nhận hỗ trợ của Chính phủ trên các khía cạnh như hồ sơ hỗ trợ có nhận được phản hồi hay không, số tiền được hỗ trợ, các khó khăn đang gặp phải v.v…

Được triển khai từ cuối tháng 10 năm 2021, tới nay, ứng dụng M-score đã ghi nhận ý kiến từ hơn 500 người dân phản hồi về gói Hỗ trợ của Chính phủ. Đáng chú ý, có tới hơn 60% người dân có hồ sơ bị tự chối hỗ trợ đã liên hệ với cơ quan thực hiện nhưng không gặp được hoặc không nhận được phản hồi.

Ông Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty RTA, cho biết: "Sáng kiến người dân phản hồi về gói hỗ trợ này và các sáng kiến trên nền tảng thời gian thực là công cụ hữu ích giúp các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan triển khai nắm được tình hình thực tế theo thời gian thực để kịp thời điều chỉnh chính sách và hành động, đảm bảo tính hiệu quả trong các tình huống cứu trợ khẩn trương như trong đại dịch COVID-19".

Cũng sử dụng nền tảng công nghệ số, Trung tâm Nghiên Cứu và Phát Triển Năng Lực Người Khuyết Tật (DRD) đã phát triển Bản đồ D.Map giúp người khuyết tật có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy quyền hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật.

Không chỉ dừng lại ở các khoản cứu trợ bằng hiện vật hay tiền mặt, các dự án cứu trợ còn chú ‎trọng đến các khía cạnh đời sống tinh thần, kết nối xã hội và không gian sống của người lao động di cư. Dự án cứu trợ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho lao động di cư nữ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Bình Dương do Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội SocialLife triển khai hay sáng kiến huy động cộng đồng tham gia hỗ trợ lao động di cư ở Hà Nội của tổ chức ECUE là những ví dụ điển hình. Các hoạt động cứu trợ trên được triển khai dựa trên hiểu biết xác đáng nhu cầu cộng đồng đích của các tổ chức xã hội. Hiểu biết đó có được thông qua khảo sát, kết nối mạng lưới với cộng đồng và kết nối nhiều bên nhằm huy động nguồn lực và chuyên môn hiệu quả. Đặc biệt, các tổ chức xã hội chú trọng cách tiếp cận dựa vào nội lực cộng đồng, thúc đây sự tham gia của cộng đồng giúp các hỗ trợ mang tính bền vững.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đã tiến hành các khảo sát và phân tích để kịp thời đóng góp ý kiến với Chính phủ, kết nối các hoạt động của nhiều bên để đạt hiệu quả trợ giúp tối ưu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm