Hỗ trợ người dân vùng biên giải cơn khát nước sinh hoạt

03/10/2018 - 10:27
Sáng sớm hoặc buổi chiều, người dân vùng biên lại đi thành từng tốp đi lấy nước. Nhà nào có xe máy thì dùng làm phương tiện vận chuyển. Nhà không có xe thì dùng ngựa để “thồ”. Những gia đình không có xe, có ngựa thì gánh hoặc "gùi" để "cõng" nước. Bài toán thiếu nước sinh hoạt tại hai xã vùng biên diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp để khắc phục.
Vật vã mùa… khát
Dìn Chin và Tả Gia Khâu là 2 xã biên giới của huyện Mường Khương (Lào Cai). Do đặc điểm địa chất ở huyện Mường Khương là đá xít (đá thối) nên mỗi khi có mưa, nước lập tức bị trôi tuột đi, không giữ lại được trong lòng đất. Cũng vì thế, mỗi khi mùa mưa qua, người dân hai xã lại đối mặt với bài toán thiếu nước sinh hoạt. Trong những năm qua, đã có nhiều đoàn khảo sát đến với Dìn Chin và Tả Gia Khâu để khoan thăm dò tìm mạch nước ngầm. Thế nhưng, đến nay công tác tìm kiếm mạch nước ngầm cho bà con vẫn chưa có kết quả.
Người dân địa phương cho biết, nước sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Tuy nhiên, lượng nước mưa trữ được tại các hộ gia đình và các điểm trường không nhiều do thiếu vật dụng trữ nước lớn. Điều này dẫn đến hiện tượng khan hiếm nước vào mùa khô càng trở nên trầm trọng. 
anh-14.JPG
Buổi chiều người dân vùng biên lại đi lấy nước

 Để có nước dùng sinh hoạt, nhiều người dân phải thức trắng đêm để chờ hứng tại các bể nước trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm các mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá. Một số khác lại phải mang can nhựa đi hàng chục km để xin nước về dùng.

Chúng tôi đã chứng kiến cảnh người dân ở đây đi lấy nước. Theo đó, sáng sớm hoặc buổi chiều từ khoảng 15h, người dân đi thành từng tốp đi lấy nước. Nhà nào có xe máy thì chở bằng can. Nhà không có xe thì dùng ngựa để “thồ”. Những gia đình không có xe, có ngựa thì dùng gánh hoặc gùi để cõng nước. Để đến được các mó nước, họ phải đi đoạn đường rất xa. Vì vậy, tại mó nước, người dân cũng tranh thủ tắm, giặt luôn.
anh-10.JPG
Mó nước cạn kiệt nhưng người dân vẫn cố gắng múc từng ca nước

 Tại các điểm trường, nơi có học sinh bán trú, tình trạng han hiếm nước càng khiến các giáo viên và học sinh vất vả hơn. Cô Tả Thị Lê (Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Dìn Chin, xã Dìn Chin) chia sẻ, vào mùa khô, ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô còn phải thức khuya, dậy sớm tranh thủ xách nước về phục vụ sinh hoạt tại trường. Quãng đường đi lấy nước cách trường trung bình 3km, thậm chí nhiều nơi còn xa hơn.

anh-12.JPG
Màn đêm buông xuống nhưng nhiều cô gái Mông ở vùng biên vẫn đi lấy nước

 “Công việc vận chuyển nước được các thầy cô thực hiện hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Tuy nhiên, vì số học sinh đông, lượng giáo viên lại có hạn nên nhiều khi nhà trường phải huy động cả phụ huynh hỗ trợ. Khi đưa con tới lớp, mỗi phụ huynh mang theo một can 2 lít để các con có nước lau rửa mặt mũi chân tay”, cô Lê nói.

Cũng theo cô Lê, số nước phụ huynh mang đến cùng với lượng nước các cô giáo tại trường vận chuyển sẽ được sử dụng hết sức tiết kiệm.“Học sinh rửa mặt, rửa tay xong, toàn bộ nước sẽ được tận dụng để tưới cây, dội nhà vệ sinh".
anh-2.JPG
Nụ cười của bé gái khi đi lấy nước

 Còn theo thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Gia Khâu, tình trạng khan hiếm nước còn khiến các thầy và trò nơi đây vất vả hơn. Thầy Tùng cho biết, tại điểm trường này, các thầy cô không chỉ lo nước rửa chân tay, mặt mũi cho các em mà phải lo đủ nước sinh hoạt cho 118 em học sinh ở bán trú. Không những thế, điều kiện nơi đây không thể khoan giếng và cũng không có nguồn để dẫn nước về nên ngoài việc canh mưa, các thầy cô của trường còn phải canh cả sương mù.

“Mỗi khi có mưa hoặc sương mù tất cả nồi niêu, xong chảo, thậm chí đến cả… thùng rác cũng được lau sạch sẽ để làm bình trữ nước. Tuy nhiên, số nước tích trữ được cũng chỉ đủ dùng ở mức tối thiểu nên đời sống sinh hoạt ở đây rất vất vả” – thầy Tùng nói.
nh-1.jpg
Nhân viên Tập Đoàn Sơn Hà vận chuyển thùng chứa nước lên điểm trường

 Chia sẻ với người dân vùng biên

Sau khi khảo sát, thấu hiểu những khó khăn của người dân, mới đây, ngày 29/9, Tập đoàn Sơn Hà đã tài trợ và lắp đặt 35 bồn nước cho 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu.
nh-3.jpg
Nhân viên Sơn Hà lắp đặt bể chứa

  Ông Phạm Thế Hùng, Phó Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Sơn Hà cho biết, một trong những sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn Sơn Hà là giải pháp về nước sạch. Vì thế, Sơn Hà lựa chọn nước sạch là món quà để trao tặng cho bà con vùng cao.

“Với số bồn nước tài trợ cho bà con xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, cũng như tại các điểm trường đợt này, Sơn Hà hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình để cuộc sống của người dân nơi đây bớt khó khăn hơn”, ông Hùng nói.
nh-2.jpg
Các em học sinh vui mừng vì đã có nước sinh hoạt

 Có mặt để trực tiếp nhận bình trữ nước cho gia đình mình, anh Vàng Seo Pao (thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin) rất xúc động. Anh Pao cho hay, mỗi khi mùa khô đến, bà con nơi đây thường sử dụng chum nhựa loại 30 lít để chứa nước nhưng tuổi thọ của những chum này thường chỉ được hơn 1 năm. Mỗi chum cũng chỉ đủ cho việc nấu nướng trong 1 ngày, còn việc tắm giặt thì phải đi xa, đến những nơi có khe nước nhỏ. Nay, nhờ sự quan tâm của tập đoàn Sơn Hà, bà con đã bớt được một nỗi lo khan nước mùa mưa. “Từ nay, mình đỡ phải đi thồ nước, đỡ phải đựng can nhựa rồi. Cảm ơn các anh chị lắm", anh Pao nói.

Chương trình lắp tặng 35 bồn nước tại 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu là điểm khởi động đầu tiên của chiến dịch “Cùng Sơn Hà đem nước sạch đến vùng cao” của Tập đoàn Sơn Hà. Sau hoạt động này, Tập đoàn Sơn Hà sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác tại các điểm vùng cao khó khăn, thiếu nước như Đồng Văn (Hà Giang), Lai Châu, Sơn La,…
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm