Hỗ trợ phụ nữ kết nối thị trường, nâng thương hiệu hàng hóa, vượt qua ảnh hưởng đại dịch

PV
17/10/2022 - 14:38
Hỗ trợ phụ nữ kết nối thị trường, nâng thương hiệu hàng hóa, vượt qua ảnh hưởng đại dịch

Doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho hàng hóa. Ảnh H.H

Trong giai đoạn chống dịch Covid-19, các hệ thống phân phối trong nước đã ưu tiên kết nối online để hỗ trợ và nhận luôn những phần hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là hàng hóa do phụ nữ sản xuất đưa vào quầy kệ của mình.

Thời gian qua, tích cực động viên khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động thiết thực để đào tạo, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Chuân, thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM (thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam) ở làng chài của tỉnh Nghệ An, nguồn thu dựa hoàn toàn vào đánh cá và làm muối. Khi dịch Covid-19 xảy ra, việc buôn bán cá xuất khẩu sang Lào bị đứt hẳn.

Thời điểm đó, chị được tham gia khoá đào tạo công nghệ số do TYM phối hợp tổ chức. Trong quá trình tập huấn, được sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên của TYM, chị Chuân đã bắt đầu sử dụng Facebook và Zalo để tìm kiếm khách hàng trên Internet. Chị cũng học được cách chụp ảnh sản phẩm sao cho hấp dẫn, cách đăng bài bán hàng trên các ứng dụng Facebook và Zalo và quảng bá các sản phẩm tới các khách hàng tiềm năng trên các hội, nhóm mua bán online. Nhờ đó, chị đã tiếp cận được nhiều khách hàng và mở rộng kinh doanh. Doanh số bán hàng trực tuyến được cải thiện nhanh chóng. Đến nay, thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, tăng 50% so với trước dịch.

Đến nay, TYM đã phối hợp tổ chức, đạo tạo về công nghệ số cho hơn 81.500 người là các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh do nữ làm chủ và thanh niên chưa có việc làm ổn định ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kết quả sau đào tạo, thành viên TYM và gia đình họ được nâng cao kiến thức và kỹ năng số và phát triển kinh doanh; cụ thể có tới 82% thành viên có thể tự tìm kiếm thông tin trên internet; 83% thành viên được đào tạo thực hiện marketing trực tuyến; 90% hội viên sử dụng công nghệ để hỗ trợ phát triển kinh doanh.

Chị Vi Thị Lụa, Giám đốc hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy (tỉnh Lạng Sơn), chia sẻ: Năm 2021, sản phẩm Trà Diếp cá Lụa Vy của hợp tác xã đạt giải "Nâng tầm sản phẩm OCOP" tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Giải thưởng đã giúp cho hợp tác xã cũng như sản phẩm được lan tỏa mạnh mẽ hơn, qua đó ảnh hưởng tích cực, niềm tin đối với khách hàng trên cả nước.

Đặc biệt, hợp tác xã đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số bằng việc mở rộng kinh doanh online, tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương, ký kết hợp đồng với các đại lý trên toàn quốc, làm tốt các khâu quảng bá sản phẩm, hình ảnh, kết nối với khách hàng qua các website, fanpage chính thức của hợp tác xã.

Hỗ trợ phụ nữ kết nối thị trường, nâng thương hiệu hàng hoá, vượt qua ảnh hưởng đại dịch - Ảnh 1.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Chung tay hỗ trợ phụ nữ mở rộng đầu ra sản phẩm, hàng hóa

Tại hội nghị mới đây, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ khi có Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có rất nhiều doanh nghiệp chung tay, cũng như các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành đã hỗ trợ, và đặc biệt là sự ủng hộ cũng như hưởng ứng khá mạnh mẽ từ các địa phương,  hệ thống phân phối, và các hệ thống thương mại điện tử lớn.

Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, các hệ thống phân phối trong nước đã ưu tiên kết nối online để hỗ trợ và nhận luôn những phần hàng hóa của các địa phương đưa vào quầy kệ của mình, dành một không gian rất đẹp, trân trọng ở phía trước mặt tiền các trung tâm thương mại, siêu thị - nơi người tiêu dùng đến mua sắm tiếp cận đầu tiên.

Bộ Công Thương hàng năm đều có hướng dẫn và kêu gọi các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia triển khai các nhóm giải pháp; đồng thời sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về tính linh hoạt, sáng tạo ưu tiên cho chuyển đổi số, như ứng dụng những giải pháp về công nghệ số, hay những giải pháp truyền thông mang tính tổng thể hơn và có điểm nhấn hơn, có lượng người tiêu dùng quan tâm hơn đến những sản phẩm của khu vực miền núi, hải đảo sẽ được đánh giá cao và triển khai ở diện rộng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm