"Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng cao 140 nghìn đồng/tháng là quá thấp"

H.Y
25/10/2023 - 13:44
"Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng cao 140 nghìn đồng/tháng là quá thấp"

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

140 nghìn đồng/người/tháng là số tiền học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng. Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - cho rằng, mức hỗ trợ này quá thấp và đã được duy trì 12 năm nay.

Quan tâm đến chế độ cho giáo viên vùng cao

Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2024, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Xuất phát từ thực tiễn, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, đại biểu Vương Thị Hương đã nêu thực trạng thiếu giáo viên các cấp học ở nhiều địa phương miền núi.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Tại tỉnh Hà Giang, tình trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, trong khi việc tuyển dụng giáo viên hằng năm hầu như không đạt chỉ tiêu do không có nguồn tuyển.

Trong điều kiện thực tế về thiếu đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học nhiều cơ sở giáo dục đã linh động từng bước khắc phục tình trạng này bằng cách liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình học. Đối với tỉnh Hà Giang tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp.

"Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng cao 140 nghìn đồng/tháng là quá thấp!" - Ảnh 2.

Một buổi học Tiếng Anh của học sinh tại Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa

Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, với các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến như trên, cử tri ngành giáo dục băn khoăn một giáo viên dạy trực tiếp 01 lớp và kết hợp dạy trực tuyến 01 lớp sẽ được tính bao nhiêu tiết dạy trong 02 lớp đó? Một giáo viên được giao nhiệm vụ trợ giảng thực hiện quản lý lớp học, phối hợp với giáo viên tại lớp trực tuyến tổ chức các hoạt động học tập; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập sẽ được tính số tiết như thế nào?

Với thực tiễn này, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tính định mức số tiết dạy cho 1 giáo viên dạy trực tiếp tại 1 lớp kết hợp với trực tuyến 1 lớp trở lên và định mức số tiết cho giáo viên trợ giảng.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Vương Thị Hương cho biết, hiện nay kinh phí chi trả chế độ cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được hướng dẫn chi từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do địa phương đảm bảo, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối, chưa bố trí thanh toán chế độ cho giáo viên kịp thời. Đại biểu này kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để chi trả chế độ cho người dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao

Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người.

"Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng cao 140 nghìn đồng/tháng là quá thấp!" - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, hiện nay, tổng các định mức hỗ trợ tối đa một học sinh (thuộc các đối tượng được hưởng chế độ) được nhận trong một tháng bằng 100% mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và thấp nhất bằng 40% mức lương cơ sở. Nhưng các chính sách trên chỉ áp dụng cho các trường THPT công lập, không áp dụng cho học sinh ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Trong đó, 140 nghìn đồng/người là số tiền học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng. Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, mức hỗ trợ này quá thấp và đã được duy trì 12 năm nay, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Do vậy, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1, Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm