Vợ chồng cô và 2 con gái đang sống chung với ông bà nội. Theo lời cô thì “mẹ chồng đến chồng, con trai, con gái bà phải thốt lên nhận xét là bà sống chỉ vì bản thân, ích kỷ, nhỏ nhen, vụn vặt, gia trưởng, độc đoán, độc quyền về tài chính (thu nhập của cả nhà đều phải tập trung về cho bà quản lý, bà không được quản lý tiền chắc bà ốm mất)”.
Vợ chồng cô cũng thống nhất để cho bà quản lý để bà thoải mái tâm lý và không làm khó cô. Bà vẫn so đo cô đi lấy chồng không có kinh tế so với con gái bà.
Bà yêu cầu người khác phải trau chuốt khi nói nhưng bà lại toàn quẳng vào tai mọi người những câu sói vào óc. Bà không ưng gì là càm ràm bên tai hoặc xị mặt cả ngày. Những lúc đi làm về mệt, con cái nhỏ quấy, không khí gia đình nặng nề thật là mệt mỏi.
Bà biết chăm sóc cháu, thu vén công việc gia đình nhưng cáu lên là mắng chửi thỏa miệng. Và làm gì, giúp gì thì hay kể công và cho rằng mình là ô sin cho cả nhà. Bà là người rất tham việc.
Quê bà ở xa nên ít về quê. Nhà bố mẹ cô cách có 30km nên thỉnh thoảng cô lại cho các con về chơi với ông bà ngoại, tết cho các con về ăn tết với ông bà, cả việc chồng mua cho cô cái xe tay ga để đi làm cũng khiến bà cáu kỉnh, so bì.
Một vài lần cô to tiếng với bố mẹ chồng nhưng xuất phát điểm vì ức chế quá nên cô nói để cho ông bà hiểu, nhưng bà lại cho cô là hỗn láo. Cô vẫn xác định mình làm dâu con là phải biết nhịn và phải chịu thiệt.
Vợ chồng cô có việc làm ổn định, thu nhập hơn 20 triệu/tháng. Hai người yêu thương nhau, đều biết suy nghĩ, quan tâm chăm sóc gia đình, chịu khó làm ăn và biết tiết kiệm. Cô đi làm giờ hành chính, sáng dậy sớm cơm nước chuẩn bị cho con đi học, chiều về nếu bà đã nấu cơm rồi thì chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, tối cho con học và phụ chồng bán hàng. Nói chung, ngoài những lúc đi làm, cô chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa, không có chút thời gian cho riêng mình.
Nhưng việc khiến cô suy nghĩ, luẩn quẩn và lo lắng mấy năm nay, từ khi đứa thứ 2 được 15 tháng tuổi phải đi viện. Hôm đó, ông nội mang đồ ra và ở lại buổi tối. Trong phòng họ về hết, ông đến gần gạ gẫm cô, cô chỉ biết ôm chặt con vào lòng và quát to lên “Ông làm cái gì đấy? Ông mà làm gì vớ vẩn là tôi ôm con ra khỏi nhà, tôi nói với chồng tôi đấy. Ông muốn phá hạnh phúc của con cái à?”. Ông ấy giãi bày vì bà vợ không quan tâm đến sinh lý của ông nên ông rất chán, muốn bỏ đi. Đấy là 1 lý do không chấp nhận được. Đúng là ông rất tốt với các cháu nhưng cô rất lo có việc gì xảy ra với các con. Những lúc gia đình đi vắng hết, có mình con gái ở nhà với ông, mà cháu hay ngủ với ông là cô rất hoang mang. Lỡ 1 phút nông nổi, ông ấy không kìm chế được, mà cháu thì không tự chủ và hiểu, chưa tự bảo vệ mình được. Cô thương chồng và thương con, nếu nói ra thì coi như gia đình tan nát, bố con người ta lìa mặt nhau.
Hai vợ chồng cô cũng có suy nghĩ sẽ ra ở riêng nhưng ông bà đã chặn trước là nếu ở riêng sẽ cho tan đàn sẻ nghé hết (vì chồng cô con trai một, ông bà sợ hàng xóm dị nghị). Cô chỉ muốn có 1 cuộc sống bình yên, vợ chồng đi làm, tối về chăm sóc con cái. Và nhất là để có cảm giác thoải mái, an toàn. Chứ như bây giờ, cô cảm thấy stress, ngột ngạt như bị cầm tù.
Thanh Tâm đã bàn với cô thử cách nói chuyện với bố chồng. Hãy nói với ông về mong muốn tôn trọng ông, về cảm giác nếu còn sống chung nhà với ông, về khả năng chịu đựng việc giấu diếm chuyện đã qua và có thể nói với chồng. Và chốt lại về phương án tốt nhất hiện thời là gia đình cô sống tách ra. Để người bố chồng suy nghĩ và tự tìm cách giải quyết vấn đề là tốt nhất, sẽ cùng lúc giải toả mọi băn khoăn, lo lắng của cô mà không khiến cho sự việc tồi tệ, mất kiểm soát.
Nhưng thực sự, Thanh Tâm nghĩ cô gái đã có một sức chịu đựng dẻo dai, chấp nhận im lặng dù không hề dễ dàng. Thanh Tâm mong rằng, lựa chọn của cô sẽ được đền đáp xứng đáng và dù cô im lặng hay nói ra thì cô đều được trân trọng, chứ không như một trường hợp bạn đọc cũng rơi vào cảnh tương tự lại bị đổ lỗi, đang là nạn nhân lại trở thành tội đồ.