Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học tự chủ

N.Lam
10/11/2020 - 12:43
Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học tự chủ
TS. Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng, đã đến lúc nên thôi cơ chế chủ quản, để Hội đồng trường thực hiện đúng vai trò, nghĩa vụ của mình, tránh chồng chéo. Vấn đề này được đặt ra sau câu chuyện cách chức Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, gây xôn xao dư luận lẫn nghị trường Quốc hội nhiều ngày qua.

Cách chức Hiệu trưởng TDTU là sai thẩm quyền?

Câu chuyện ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) bị cách chức bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận lẫn diễn đàn Quốc hội trong các phiên thảo luận, chất vấn vừa qua.

Trước các ý kiến trái chiều về việc đúng hay sai khi TLĐLĐVN ra văn bản cách chức Hiệu trưởng TDTU, TS. Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng, cần giải quyết nghiêm túc vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật, tránh hoang mang dư luận không cần thiết.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, Hội đồng trường sẽ quyết định các vị trí lãnh đạo nói chung ở trong trường, trong đó có vị trí Hiệu trưởng. Luật quy định vậy, quy định đó rất đúng và cần thiết, nên việc cơ quan chủ quản không phải Hội đồng trường quyết định đến vị trí lãnh đạo là không đúng luật.

Ông cho biết, trước hết cần phải làm rõ việc quyết định của cơ quan chủ quản trong trường hợp này là đúng hay sai? "Theo dõi Quốc hội, tôi thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận một phần là việc này sai, do nhiều lý do khách quan. Vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau!" – ông cho hay.

Theo ông Hoàng, khi làm sai thẩm quyền, trái luật, tức là không hợp pháp, thì quyết định về việc cách chức Hiệu trưởng của trường có hiệu lực pháp lý hay không?. Quan điểm của ông cho rằng, quyết định này không có hiệu lực pháp lý.

Nếu văn bản này không có giá trị thì chức danh Hiệu trưởng đã có trước đó vẫn là Hiệu trưởng đương nhiệm. Phải trả lại đúng luật rồi sẽ tiếp tục theo đúng luật. "Hãy trả lại nguyên vị trí ban đầu cho HT rồi mới thực hiện các bước tiếp theo như luật đã quy định!" – ông đề xuất.

Nói về quan điểm của mình khi cho rằng cơ quan chủ quản chưa thực hiện đúng thẩm quyền và ra văn bản sai với quy định của Luật Giáo dục Đại học, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng hoàn toàn không đúng khi đưa ra lý do rằng thời điểm xử lý cách chức ông Lê Vinh Danh, TDTU không có Hội đồng trường.

"Thời điểm đó, DTDU đã có Hội đồng trường, và tôi được biết trường này đã có mấy lần làm thủ tục xin phê duyệt lập HĐT nhiệm kỳ mới khi nhiệm kỳ của HĐT đương nhiệm đã hết, nhưng cơ quan chủ quản chưa cho phép và việc này bị ách lại tại đây. Theo cách hiểu của tôi, nếu vậy thì Hội đồng trường cũ vẫn còn tác dụng hoạt động cho đến khi có Hội đồng trường mới. Mặt khác, trách nhiệm chính của việc chưa có HĐT mới cũng của cơ quan chủ quản. Không thể việc sai trước lại trở thành căn cứ cho việc sai tiếp theo " – ông cho hay.

Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học tự chủ - Ảnh 1.

Vụ việc cách chức Hiệu trưởng TDTU gây ý kiến trái chiều

Nói về lý giải của đại diện TLĐLĐVN trước Quốc hội về việc họ làm đúng quy trình kỷ luật theo khung cao nhất là cách chức Hiệu trưởng chứ không tham gia vào việc bãi nhiệm, hay miễn nhiệm chức danh này, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của các luật sư, thậm chí là tòa án để đưa ra lý lẽ, từ ngữ chuẩn xác nhất về mặt pháp lý.

 "Tôi nghĩ, bãi hay miễn, hay cho thôi, hay cách chức… đều là người ấy không còn được giữ chức ấy nữa như HĐT đã quyết định. Lập luận này phải cẩn thận chứ không khéo thì chúng ta thành ngụy biện" – ông Hoàng thẳng thắn.

Đã đến lúc bỏ cơ quan chủ quản?

Sau câu chuyện của TDTU, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, giáo dục đại học muốn phát triển tốt thì phải làm rõ ràng vai trò thực chất của Hội đồng trường và tính đến việc bỏ cơ quan chủ quản (có thể trừ các trường của Bộ Quốc phòng và Bộ Công An vì tính đặc thù).

"Nghị quyết của Đảng, luật pháp đều đề cập đến vấn đề chủ quản của Hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất đối với trường đại học, vấn đề là phải thực hiện theo đúng tinh thần này. Đó cũng là tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tôi nghĩ là hành lang pháp lý khá rõ rồi nhưng trong quá trình thực hiện thì có thực hiện theo đúng quy định hay không là câu chuyện cần bàn!" – ông nhìn nhận.

Theo ông, tự chủ chính là đặc trưng của đại học. Đại học phải được tự chủ thì mới phát huy được sáng tạo, giải quyết được chất lượng đào tạo và quan điểm phát triển. "Tự chủ có nghĩa là tự mình làm chủ, tự tập thể đó làm chủ, không phải làm theo cách có sự chi phối của cơ quan chủ quản như lâu nay.

"Qua câu chuyện này, chúng ta cần nghĩ đến việc làm thế nào để nâng cao vai trò của Hội đồng trường, là cơ quan quyền lực thật sự, chứ không phải hình thức. Bộ GD&ĐT thì làm chức năng quản lý nhà nước. Khi trường thực hiện theo cơ chế tự chủ nghĩa là thay cho cơ chế chủ quản, vì thế không cần thiết phải có có thêm cơ quan chủ quản nữa. Cùng một lúc làm hai cơ chế khác nhau thì rất khó thực hiện" – ông nhìn nhận.

Trước đó, vào 9/11, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9/11 về việc có nên bỏ cấp cơ quan chủ quản đối với trường đại học đã tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, luật pháp nước ta hiện nay đã không còn khái niệm Bộ chủ quản. Chỉ còn khái niệm là cơ quan quản lý và chủ sở hữu. Điểm vướng mắc lớn trong tự chủ ĐH hiện nay, theo Phó Thủ tướng là vấn đề tự chủ tài chính, hay câu chuyện tuổi giữ chức của cán bộ, mở ngành mới có ràng buộc điều kiện tỷ lệ giáo viên, tiến sĩ, giáo sư… đây là những việc sẽ phải điều chỉnh dần. Ông cũng cho rằng việc quan trọng trước mắt để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng, đó là tất cả các trường đại học phải kiện toàn thành lập mới theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó Hội đồng trường với tư cách là một cơ quan thực quản, chứ không phải là Hội đồng có tính hình thức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm