Hội LHPN Hà Nội: Đẩy mạnh mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn"

Hội LHPN Hà Nội: Đẩy mạnh mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn"

Trước thực trạng về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, các cấp Hội thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai những mô hình mới, cách làm hay sáng tạo để chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Bên cạnh những mô hình đã và đang triển khai, mang lại những hiệu quả thiết thực cho môi trường thì mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" là một trong những mô hình đang được các cấp Hội triển khai hiệu quả, đồng bộ và có sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền cũng như sự chung tay, ủng hộ của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội cũng như các tầng lớp nhân dân.

Bà Hoàng Thu Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Hà Nội đã có những chia sẻ về những hoạt động này.

- Từ cuối năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố, 11 đơn vị Hội LHPN các huyện đã bước đầu triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại một số hộ gia đình. Hội LHPN Hà Nội đánh giá thế nào về kết quả thí điểm này?

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 1.

Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ

Từ năm 2021, Mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" được Hội LHPN huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn triển khai thí điểm tại địa bàn từ 1 đến 2 xã và sau đó được 2 huyện triển khai đồng loạt đến 100% các xã (mỗi xã lựa chọn ít nhất 1 thôn) theo 2 phương pháp (ủ vi sinh bằng chế phẩm và ủ vi sinh bản địa IMO4).

Đến tháng 10/2022, Hội LHPN Hà Nội chính thức triển khai thí điểm tại 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức và Quốc Oai nhằm hiện thực hóa Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025" của UBND Thành phố. Mô hình này được bắt nguồn từ các cơ sở Hội, sau một thời gian triển khai, tuy còn những hạn chế, nhưng nhận thấy tiềm năng thành công và hiệu quả bền vững mà mô hình mang lại, Hội LHPN Thành phố đã quyết định công nhận "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" là mô hình cấp Thành phố và tập trung đầu tư, triển khai, nhân rộng mô hình.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 2.

Các gia đình đều tự tạo cho mình những hố rác hữu cơ tại nhà

Bước đầu triển khai, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mô hình thực sự đã đến gần được với nhân dân, là một mô hình hay, dễ làm, dễ sử dụng và tiết kiệm chi phí tối đa cho nhân dân, đồng thời mở ra hướng đi cho một mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các hộ gia đình tại nông thôn. Do vậy, mô hình được các cấp Hội đánh giá cao, kỳ vọng rằng mô hình sẽ thực sự góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm gánh nặng cho các đơn vị thu gom, xử lý rác thải cũng như các bãi xử lý rác thải tập trung trên địa bàn Thành phố, đồng thời, với những phương pháp ủ phân vi sinh, ứng dụng trong trồng trọt và cuộc sống sinh hoạt thường ngày, mô hình sẽ giúp người dân tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ cuộc sống như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dầu gội,… từ đó, tạo sinh kế mới cho hội viên, phụ nữ cải thiện kinh tế nhờ các sản phẩm tái chế từ rác thải hữu cơ.

Hội LHPN Hà Nội mong muốn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ, nhân dân, để những con đường làng cũng như nơi phố thị của thủ đô Hà Nội sẽ không còn hình ảnh rác thải chưa được thu gom, xử lý.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 3.

"Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" là mô hình cấp Thành phố và tập trung đầu tư, triển khai, nhân rộng mô hình

- Qua việc triển khai công tác phân loại rác thải tại nguồn từ các cấp hội, Hội LHPN Hà Nội đã rút ra những kinh nghiệm gì trong quá trình thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn?

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, trước khi UBND ban hành Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025", các mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn phần lớn đều do các cơ sở Hội chủ động triển khai, do vậy còn thiếu tính đồng bộ, chưa có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan, chưa thu hút được đông đảo các hộ dân tham gia, khiến mô hình không phát huy được toàn bộ giá trị. Bên cạnh đó, do chưa có chủ trương từ các cấp chính quyền nên kinh phí đầu tư, triển khai mô hình còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị cũng như tổ chức triển khai mô hình.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 4.

Phân loại rác thải tại nhà

Thứ hai, về kinh nghiệm thực tế triển khai mô hình là không có nên thời gian đầu thực hiện việc bảo quản chế phẩm vi sinh, chế phẩm IMO4 thường xuyên bị hư hỏng, gây lãng phí. Lượng chế phẩm vi sinh cùng lượng rác hữu cơ để ủ còn chưa được đồng đều chính xác, gây ra tình trạng hố ủ bốc mùi, có giòi bọ, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 5.

Thứ ba, về mặt hình ảnh, kết quả truyền thông chưa có, khiến tính lan tỏa của mô hình không được như mong muốn, hạn chế công tác truyền thông, vận động, khuyến khích đông đảo hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng, tham gia. 

Bên cạnh đó, rào cản tâm lý về việc ngại phiền phức, sợ mất thời gian, ngại bẩn và thói quen đổ rác chung các loại rác thải của mọi người cũng khiến mô hình không được triển khai rộng khắp. 

Sau khi đã có kết quả bước đầu, các cấp Hội dự kiến đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho các hộ gia đình triển khai mô hình, từ đó, giúp mô hình được lan tỏa rộng khắp 18 huyện ngoại thành của Hà Nội.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 6.

Phân loại rác thu hút các em học sinh

- Qua triển khai mô hình, Hội đánh giá thế nào về vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường gắn với các tiêu chí nông thôn mới hiện nay?

Phụ nữ là người có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành thành ý thức, thay đổi hành vi của trẻ em và các thành viên gia đình trong bảo vệ môi trường, các cấp Hội Thủ đô đã liên tục đổi mới, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động, mô hình, cách làm hay nhằm bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thủ đô sáng – xanh – sạch - đẹp. 

Với mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn lần này, một lần nữa chúng ta tiếp tục khẳng định và tự nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của Thành phố cũng như công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 7.

Một số mô hình điển hình như chương trình thu gom phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình đã góp phần giảm lượng rác thải gây ô nhiễm

- Được biết, Hội LHPN Hà Nội vừa bấm nút chính thức triển khai mô hình, trong thời gian tới, Hội sẽ triển khai với quy mô như thế nào và mong muốn đạt được kết quả gì trong năm nay và năm tiếp theo?

Hội LHPN Hà Nội: - Ảnh 8.

Đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025" của UBND Thành phố và Hướng dẫn số 15/HD-BTV ngày 21/10/2022 của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội triển khai mô hình "Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn" trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ triển khai mô hình với quy mô cấp Thành phố theo từng giai đoạn. 

Qúy IV năm 2022, Hội LHPN Thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình tại 5 xã của 5 huyện là Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức và Quốc Oai. Dự kiến nghiệm thu bước đầu của 5 xã này là vào đầu năm 2023, từ đó, Hội LHPN Hà Nội cùng các cơ sở Hội trực thuộc sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý hơn, hiệu quả hơn nữa để triển khai mô hình.

Hội LHPN Hà Nội: Đẩy mạnh mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" - Ảnh 9.

Mô hình "Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn" trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ triển khai mô hình với quy mô cấp Thành phố theo từng giai đoạn

Trong năm 2023, Hội LHPN Hà Nội dự kiến tiếp tục triển khai mô hình đến đồng loạt 13 huyện còn lại dựa trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và các sản phẩm truyền thông của mô hình từ giai đoạn cuối năm 2022.

Hội LHPN Hà Nội: Đẩy mạnh mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn" - Ảnh 10.

Hướng dẫn hội viên Hội LHPN Hà Nội dự kiến tiếp tục triển khai mô hình đến đồng loạt 13 huyện còn lại dựa trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và các sản phẩm truyền thông của mô hình từ giai đoạn cuối năm 2022.

Các cấp Hội Thủ đô đều kỳ vọng và tin tưởng rằng với những bước chuẩn bị, thí điểm mô hình kỹ lưỡng cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức xã hội về công tác bảo vệ môi trường và quan trọng nhất là sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ cũng như hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, mô hình sẽ được triển khai thành công, đồng bộ, hiệu quả trên khắp địa bàn 18 huyện của Thành phố. Từ đó, tạo một thói quen mới trong việc phân loại rác thải của người dân Thủ đô, góp phần xây dựng bền vững Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp.

Cảm ơn bà đã chia sẻ!

An Duy (thực hiện)