Hội nghị Văn hóa toàn quốc có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa

Bảo Minh
24/11/2021 - 23:29
Hội nghị Văn hóa toàn quốc có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11. Ảnh: VNE

Đó là nhận định của bà Ngô Thị Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam, về tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11/2021.

Theo bà Ngô Thị Ngọc, Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư TƯ tổ chức là sự quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề văn hoá. Khi phát triển văn hóa trở thành 1 trong 12 định hướng của Nghị quyết Đại hội thì việc tổ chức hội nghị với quy mô rất lớn, có sự chuẩn bị trong nhiều năm đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Với cách truyền thông từ cả tháng nay thì ngay cả những người không dự Hội nghị cũng được biết và quan tâm đến vấn đề này.

"Điều tôi muốn nói ở đây là không chỉ nội dung mà là cách thức tổ chức Hội nghị làm cho mọi người thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về vấn đề văn hóa. Đã đến lúc văn hóa phải thực sự được xem là vấn đề có ý nghĩa sống còn không chỉ về mặt lý thuyết mà phải là bằng những hành động thực tế. Tin rằng với cách nhìn nhận như thế này, cách làm như thế này thì vấn đề văn hóa sẽ thực sự được ứng xử đúng với vị trí là nền tảng của xã hội", bà Ngô Thị Ngọc nói.

Ngô Thị Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy ơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam

Bà Ngô Thị Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam - trao đổi về công tác Đảng trong một hội nghị

Còn ở góc độ cơ quan, theo bà Ngô Thị Ngọc, để triển khai thực hiện thì cũng cần xuất phát từ việc phải thay đổi tư duy, nhận thức về văn hóa. Mà cụ thể hơn là xây dựng những quy tắc ứng xử. "Cán bộ vẫn luôn là gốc của công việc, nhưng yêu cầu về cán bộ phải nhìn nhận không chỉ thiên về năng lực chuyên môn mà còn là vấn đề đạo đức, mà kết tinh cao nhất là ứng xử văn hóa", bà Ngọc khẳng định. 

Bà Ngô Thị Ngọc cũng cho rằng, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cơ quan đã có xác định tiêu chí đạo đức của cán bộ, đảng viên trong cơ quan. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là đạo đức đơn thuần mà bản thân trong các tiêu chí đó đã là sự hòa quyện giữa những yêu tố thuộc phạm trù đạo đức và văn hóa. Nó đan xen với nhau, trở thành phong cách, lối sống, ứng xử và cao hơn là nếp văn hóa của cơ quan. Và khi thực hiện được điều đó thì mới nghĩ đến chuyện mỗi người có hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.

Báo cáo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 nêu rõ một trong những giải pháp trọng tâm nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người trong tình hình mới là: "Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững". Cụ thể:

+ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

+ Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

+ Tuyên truyền, giáo dục trong đảng viên và nhân dân nhận thức, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu mới.

+ Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý các hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa, nhất là việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm