Kẻ thù thực sự của một bé gái, một cô gái, một người vợ

Bảo Ngân
08/04/2020 - 21:12
Kẻ thù thực sự của một bé gái, một cô gái, một người vợ

Những làn sóng đổ lỗi cho nạn nhân kiểu như “Cô ta khoe ra cơ mà” hay là “Ai bảo ăn mặc khiêu gợi làm gì”. Ảnh minh họa

“Victim blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân) là ung nhọt sinh ra từ sự bất bình đẳng giới. Ta phải chiến đấu với nó, hằng ngày". Đó là thông điệp mà tác giả Bảo Ngân đưa đến cho bạn đọc qua bài tham gia cuộc thi truyền thông "Không đổ lỗi" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo PNVN thực hiện.

Các thành viên Ban Giám khảo đều chung nhận xét đây là một bài luận chặt chẽ, truyền tải thông điệp rõ ràng và thống nhất trao Giải Khuyến khích cho bài viết này. 

"Tôi là một cô gái bình thường và sống một cuộc sống thường thường như bao nhiêu người khác. Tôi là một bà lão trong thế giới mạng xã hội vô cùng sôi động với hàng ngàn "hot news" hiện lên trên newfeed mỗi giây. Tôi luôn có vẻ "bình chân như vại" khi có tên yêu râu xanh nào đó bị cả cộng đồng chém chặt hay lúc làn sóng đấu tranh cho việc lộ ảnh nóng của người nổi tiếng nào đấy sục sôi cả cộng đồng. Tôi không gõ phím không ngừng nghỉ để bảo vệ nạn nhân, rủa xả kẻ tội đồ. Tôi thật tệ, phải không? Tệ vì tôi đã không chung tay bảo vệ nạn nhân khỏi sự khủng bố cả về thể xác và tinh thần từ nhiều phía. Tôi đã im lặng trước những kẻ đổ lỗi và buộc nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho nỗi ám ánh của chính họ, cho sai lầm từ thủ phạm.

Bạn thấy thủ phạm là một người, bạn công kích một người bằng tất cả sự phẫn nộ. Nhưng bạn ơi, tôi có một trải nghiệm khác, bạn có thể nghe tôi một chút không? Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã thấy người lớn trong nhà, trong xóm nói những câu như thế này "Con gái con đứa gì mà mặt mũi đầy mụn", "Con gái con đứa gì mà đoảng" hay "Con gái con đứa gì mà đi sớm về khuya". Khi nhận xét về tình trường, mọi người sẽ gọi một người đàn ông "sát gái" là đào hoa. Ở tình huồng tương tự, một cô gái lại bị đánh giá là lẳng lơ, mất nết. Trong một tình huống "ông ăn chả bà ăn nem", người phụ nữ luôn là mục tiêu công kích còn người đàn ông lại rất "tỉnh" để biện giải là mình "ăn bánh trả tiền". Bạn đã từng thấy hình ảnh mẹ mình, bà mình hay chính bản thân các bạn đầu tắt mặt tối trong bếp để chuẩn bị cỗ, còn cánh đàn ông thảnh thơi ngồi chuyện trò nhà trên. Đó là một xã hội nam nữ bình quyền sao. Không, với tất cả những trải nghiệm của mình, tôi nhận ra rằng "trọng nam khinh nữ" vẫn đang sống vui sống khỏe, thành trì kiên cố nhất, bí ẩn nhất nhưng cũng quyền năng nhất, tư tưởng cũ kỹ vẫn còn ở nguyên đấy, trong chính nếp nghĩ của mỗi chúng ta.

Kẻ thù thực sự của một bé gái, một cô gái, một người vợ - Ảnh 1.

Mơ một ngày "Con gái con đứa...." sẽ không còn là lí do để chúng tôi phải hứng chịu những đánh giá khắt khe hơn, những ánh mắt soi đến từng lỗ chân lông. Ảnh minh họa

Có rất nhiều tình huống xâm hại tình dục ở các mức độ khác nhau trở thành đề tài sốt trên mạng xã hội. Và cũng đã rất nhiều lần, những làn sóng đổ lỗi cho nạn nhân kiểu như "Cô ta khoe ra cơ mà" hay là "Ai bảo ăn mặc khêu gợi làm gì", thậm chí những làn sóng "xin link" vì tò mò và những lời bình luận chẳng mấy hay ho. Cũng có nhiều phiên tòa, nạn nhân phải khổ sở và nhục nhã đến cùng cực để chứng minh cái sự "không tình nguyện" khi rơi vào một tình huống tấn công tình dục. Và nhiều khi ta cũng chứng kiến những pha "tổ lái" thần sầu khi một bộ phận không nhỏ có thể chuyển sang bình luận về những gì thuộc về quyền riêng tư của ai đó từ một sự việc chẳng liên quan, là một tai nạn, thậm chí là một hành động phạm tội có chủ đích. Bạn tin không, nhân vật chính hầu như đều là phụ nữ. Vậy thủ phạm là do đâu, vì đâu mà vai trò "nạn nhân - thủ phạm" đã bị hoán đổi ngoạn mục hay cố tình xóa nhòa ranh giới bằng lý luận "một bàn tay vỗ không ra tiếng". Nạn nhân phải chung vai gánh vác trách nhiệm cùng thủ phạm. Bạn đã nhìn thấy kẻ khổng lồ đó chưa, kẻ đã đổ lỗi cho nạn nhân, cho chính những tổn thương mà họ phải chịu.

"Victim blaming" - đổ lỗi cho nạn nhân đặc biệt phổ biến ở những hành vi tấn công tình dục, đặc biệt là ở Việt Nam. Nó là cách làm "truyền thống" xấu xí của dư luận - thường là của bên phạm lỗi, nhất là sau khi các hành động ngọt nhạt ban đầu không mang lại kết quả. Đây cũng là cách "cãi chày cãi cối" của những người gây ra bạo lực giới gián tiếp hoặc trực tiếp cho hành động của mình. Không thể chống lại "victim blaming" bằng cách ném đá một cá nhân hay một bình luận nào đó. Đánh rắn phải đập đầu, để xóa bỏ việc đổ lỗi và xây dựng văn hóa không đổ lỗi, chúng ta phải đánh sập thành trì, đánh sập cái nơi ẩn náu của những suy nghĩ sai lầm ấy: phải xây dựng bình đẳng giới thật sự trong xã hội, từ thành trì sâu nhất là tận trong suy nghĩ, từ phương pháp chậm mà hiệu quả là giáo dục và từ lực lượng nòng cốt là "phái đẹp", chúng ta phải xóa bỏ tư tưởng "phái yếu" và dám đối đầu với cái gọi là "truyền thống lâu đời" và chiến trường của mỗi người là ngay trong chính ngôi nhà của mình, với chính những người bên cạnh mình.

Bạn biết không, tôi thường mơ. Mơ một ngày "Con gái con đứa...." sẽ không còn là lí do để chúng tôi phải hứng chịu những đánh giá khắt khe hơn, những ánh mắt soi đến từng lỗ chân lông bởi "người đi trước". Tôi mong một ngày khi trục trặc hôn nhân, không chỉ mình người vợ phải trảlời cho câu hỏi tại sao. Tôi mong một mai những công dân mạng sẽ báo cáo lên cho đội ngũ quản lý những hình ảnh phản cảm thay vì ào vào "xin link" hay thả những icon cảm xúc hời hợt mà họ sẽ quên đi ngay sau đó. Tôi mong sẽ không còn khái niệm "con gái là con người ta, con dâu mới chứng thực mẹ cha mua về" hay "dâu là con, rể là khách".

Nhưng bạn biết không, tôi biết giấc mơ sẽ không tự nó thành sự thật. Tôi không cào phím trên mạng xã hội vì tôi biết nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên trước hàng triệu "hot news" khác. Tôi không công kích vì ta đang vô tình lan truyền và khiến nạn nhân thêm khốn khổ nhưng tôi đã và đang "nói" - nói trong cuộc sống hằng ngày. Tôi nói để không ngừng thay đổi và xóa nhòa thành trì suy nghĩ tưởng chừng đã đổ nhưng vẫn đang trói buộc tư tưởng của rất nhiều người. Đây là kẻ thù thật sự khi một cô gái, một bé gái hay một người vợ bị đổ lỗi cho những hành động sai trái của ai đó. "Victim blaming" là ung nhọt sinh ra từ sự bất bình đẳng giới. Ta phải chiến đấu với nó, hằng ngày. Và bạn biết không, tôi thật sự rất ghét câu "Con gái con đứa..." kèm theo ánh mắt khó chịu, hạch sách của ai đó khi nói về một nửa của thế giới - phái đẹp".

Cuộc thi sáng tác truyền thông "Không đổ lỗi" nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông mang thông điệp về việc cần: Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực giới xảy ra không phải do lỗi của nạn nhân.

Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo PNVN thực hiện, được tài trợ bởi Cơ quan Viện trợ Australia và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm