"Khoa học công nghệ là cốt lõi của đổi mới, sáng tạo"

D.H
04/11/2020 - 16:56
"Khoa học công nghệ là cốt lõi của đổi mới, sáng tạo"

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - đã khẳng định như vậy, xung quanh các góp ý của Hội LHPNVN và Hội Nữ trí thức Việt Nam về lĩnh vực khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện trong dự thảo văn kiện.

2 nhóm vấn đề cần lưu ý

Lắng nghe toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội thảo "Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao - Những nội dung liên quan trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng" diễn ra sáng 4/11 tại Hà Nội, phát biểu kết luận, bà Trương Thị Mai cho rằng đây là những cơ sở quan trọng để văn kiện được hoàn thiện hơn, cụ thể hơn.

Theo bà Trương Thị Mai, dự thảo lần này và các báo cáo kèm theo không chỉ đánh giá 5 năm qua, dự báo 5 năm tới mà còn dự báo những đi bước xa hơn, trong đó tính đến mốc 2030, 2045.

"2045 là mốc quan trọng kỷ niệm 100 năm thành lập nước, lúc đó dự kiến Việt Nam sẽ bước qua ngưỡng thu nhập trung bình để bước vào thu nhập cao. Chúng ta sẽ bước sang một xã hội phát triển, thịnh vượng hơn ở dấu mốc này. Mục tiêu này không chỉ là của Đảng mà còn là của dân tộc, đòi hỏi phải có đột phá, tập trung nguồn lực cao độ", bà Mai Trương Thị Mai nói.

Qua 10 ý kiến phát biểu của hội thảo, bà Trương Thị Mai cho biết đã nhóm lại thành 2 nhóm vấn đề chính để trình ban soạn thảo có định hướng sửa đổi dự thảo báo cáo.

Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất bao gồm việc đưa phương pháp STEM vào giáo dục đào tạo hướng đến năng lực của người học thông qua KHCN, một số mô hình giáo dục mới tiến bộ của thế giới, chất lượng cao hơn. Đề xuất các chính sách mạnh mẽ hơn về đề tài nghiên cứu khoa học có tính chiến lược, có tầm nhìn xa, lựa chọn nhà quản lý khoa học tốt để tiếp thêm nhuệ khí, tâm huyết cho các nhà khoa học... Một số ý kiến nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tri thức, trong đó có nguồn nhân lực nữ.

Nhóm vấn đề thứ 2 đi vào một số góp ý cụ thể, về câu chữ nội dung, hạn chế trong GD&ĐT, KHCN. Đối với GD&ĐT, các đại biểu muốn làm rõ hơn định hướng, muốn giáo dục đại học gắn với nghiên cứu thực hành, ngành nghề hướng vào mục tiêu mô hình phát triển của Việt Nam, định hướng khoa học chính trị rõ hơn, hay các vấn đề về hợp tác quốc tế…

Một số đại biểu đề nghị thúc đẩy phát huy tôn vinh phụ nữ tham gia khoa học, xóa định kiến giới, có quỹ phát triển nhân lực nữ hay cơ chế để phát huy được năng lực sáng tạo của nhà khoa học nữ…

"Khoa học công nghệ là cốt lõi của đổi mới, sáng tạo!" - Ảnh 1.

Hội thảo nhận được nhiều đóng góp ý kiến quan trọng cho nội dung về khoa học công nghệ, GD&ĐT, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: D.H

"Tôi xin khẳng định, phụ nữ là đối tượng có mặt trong toàn bộ bản báo cáo, trên mọi lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có bóng dáng nữ giới. Trong đó, có 5 điểm mà dự thảo báo cáo đề cập trực tiếp đến vai trò phụ nữ bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực, quan tâm cập nhật tri thức kỹ năng cho nhóm phụ nữ khó khăn, pháp luật cho phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, phát huy tiềm năng thế mạnh tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ, xử lý nghiêm bạo lực, mua bán, xâm hại trẻ em và phụ nữ".

Bà Trương Thị Mai cũng thể hiện đồng tình cao về việc cần xóa bỏ định kiến giới đối với nữ trí thức. Trong đó, cần có chính sách cơ chế tạo cơ hội bình đẳng cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội phấn đấu. "Đây là một yêu cầu rất quan trọng và rào cản lớn nhất chính là tuổi về hưu. Bộ luật Lao động đã sửa, phụ nữ sẽ dần tiệm cận tuổi về hưu so với nam giới theo lộ trình", Trưởng ban Dân vận TƯ thông tin.

Khoa học công nghệ - cốt lõi của đổi mới, sáng tạo

Nhân hội thảo, bà Trương Thị Mai thông tin thêm về báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh sự năng động của kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện cho đất nước hướng đến nền kinh tế thu nhập cao. Có nhiều điểm mà WB đã khuyến nghị được bà Trương Thị Mai đề cập, cụ thể:

- Mô hình tăng trưởng 10 năm tiếp theo là tăng năng suất lao động - tiền đề để tiến tới thu nhập cao. Trong đó, việc quan trọng và trung tâm là đổi mới sáng tạo. Muốn vậy phải tăng cường KHCN.

- Thu nhập hộ gia đình tăng được 4 lần. Tỉ lệ nghèo đói cùng cực giảm từ hơn 50% còn 2%. Năm 1993 nước ta có 58% hộ nghèo, đến 2008 Việt Nam bắt đầu bước vào thu nhập trung bình. Con đường đi sẽ còn rất dài để tiến tới thu nhập cao

- Nhiều chỉ số con người của Việt Nam rất tốt như tuổi thọ, sức khỏe trẻ em phụ nữ, hiệu quả kinh tế xã hội có được từ đổi mới.

- 30% lao động dịch chuyển từ nông thôn sang khu vực việc làm có năng suất cao hơn.

- Dân số trẻ trong lực lượng lao động. Dự kiến 2030 - 2035 mới kết thúc thời kỳ dân số vàng, song từ 2011 ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số đặt ra nhiều bài toán thử thách về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, WB cũng dự báo trở ngại của Việt Nam trong giai đoạn tới như: dân số trẻ sẽ giảm dần, dân số già tăng lên, tự động hóa và công nghiệp đột phá để giải quyết các vấn đề phát triển.

Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... sẽ bù đắp cho ta một phần nguồn cung lao động giảm dần, nhưng mặt nào đó loại bỏ việc làm của một bộ phận lao động, hay các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu. Bối cảnh thế giới cũng sẽ tác động đến Việt Nam khi thương mại toàn cầu sụt giảm, gia tăng căng thẳng thương mại, ảnh hưởng của Covid-19…

"Hôm nay các nhà khoa học phát biểu rất nhiều vấn đề, đều nói về chất lượng thay cho tăng trưởng chiều rộng và quy mô, gắn với mục tiêu mà WB nghiên cứu, đây là điều mà tôi rất đồng tình. Ban chấp hành Trung ương phải thống nhất cao các vấn đề về môi trường xã hội, môi trường, xem năng lực sáng tạo, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để tăng năng suất lao động để Việt Nam phát triển chặng đường tới một cách thịnh vượng", bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm