Khởi nghiệp kiểu “con nhà nghèo” của cô chủ mì gạo

26/10/2017 - 09:44
Sản xuất sản phẩm dành cho đối tượng khác biệt, tìm thị trường ngách, làm việc tinh gọn là cách chị Nguyễn Thị Thu Thủy lựa chọn để khởi nghiệp với thương hiệu mì gạo Tâm Thủy của mình.
“Giống như các ông bố bà mẹ khác, tôi cũng muốn con cái mình có được nguồn thực phẩm lành mạnh nhất cho bữa ăn hằng ngày.

Tôi đã giận run người trước những thông tin về thực phẩm bẩn; về tôm cá ngậm kháng sinh; về thịt lợn ôi thiu chế biến thành thịt lợn mán; về sữa tươi chứa đầy hormone tăng trưởng; về mì tôm không có mì mà là các loại bột và gần chục loại hóa chất mà tôi còn không tưởng tượng nổi sao họ lại gọi đó là thức ăn.

tam-thuy.jpg
Theo chị Thủy, do vốn hạn hẹp nên chị đã chọn cách khởi nghiệp tinh gọn, không đầu tư quá nhiều chi phí vào phát triển quy mô, cơ sở sản xuất.

Nhưng tôi không đứng yên và bất lực, tôi hành động!” - đó là những lời chia sẻ đầy tâm huyết của chị Thủy về động lực để cho ra đời sản phẩm mì gạo sạch và mì gạo hữu cơ của mình.

Các sản phẩm được làm 100% từ nguyên liệu gạo nguyên chất, cam kết không dùng bất cứ phụ gia thực phẩm nào và thường được sản xuất theo phương pháp truyền thống để giữ vị đậm đà như xưa, với những tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

Khởi nghiệp kiểu “con nhà nghèo”

Sinh ra tại Bắc Giang - nơi nổi tiếng với những làng nghề làm mì gạo lâu đời, chị Thủy rất buồn khi thấy nhiều cơ sở sản xuất mì gạo vì lợi nhuận mà không ngần ngại sử dụng các loại gạo tồn kho, gạo bị nấm mốc… để làm nguyên liệu hoặc sử dụng thêm các chất phụ gia như chất tẩy trắng, phèn chua… để làm trắng các loại gạo nấm mốc và làm trắng mì.

Quyết tâm làm ra sản phẩm sạch vì người tiêu dùng, bắt tay vào xây dựng thương hiệu khi dòng vốn khởi nghiệp còn hạn hẹp nên chị Thủy đã chọn cách khởi nghiệp tinh gọn, không đầu tư quá nhiều chi phí vào phát triển quy mô, cơ sở sản xuất.

Chị Thủy đã hợp tác với làng nghề ngay tại Bắc Giang để giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ theo quy trình, quy chuẩn nghiêm ngặt do chị đặt ra. Bên cạnh đó, việc hợp tác với những người thợ thủ công có kinh nghiệm trong sản xuất giúp chị không phải thuê và đào tạo công nhân.

Khi thương hiệu mì gạo Tâm Thủy mới ra mắt thị trường, chị Thủy bán hàng theo cách thăm dò, thị trường cần bao nhiều thì đặt sản xuất bấy nhiêu.

Đây là cách khởi nghiệp theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, bởi đo theo nhu cầu thị trường về chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm thì sẽ không bị sai hoặc nếu có sai thì cũng ít ảnh hưởng đến vốn.

Chị Thủy chia sẻ: “Nếu ngay từ đầu, bạn sản xuất ồ ạt, không có sản phẩm mẫu thì rủi ro rất cao, vì thị trường thay đổi liên tục”.
 
Với quyết tâm và sự cầu tiến, chỉ từ tháng thứ 9, Tâm Thủy đã sản xuất được 30 tấn mì gạo/tháng, có mặt tại các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Chọn dòng sản phẩm khác biệt

Hướng đến những sản phẩm sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng, dòng sản phẩm đầu tiên của Tâm Thủy là mì gạo quê, với nguồn nguyên liệu là gạo thu mua của nông dân tại Bắc Giang, có phun bón nhưng thời gian cách li 30 ngày (nhiều hơn 15 ngày so với các loại gạo trên thị trường).

Đến cuối năm 2016, chị Thủy quyết định sản xuất thêm dòng mì gạo cao cấp từ gạo hữu cơ có chứng nhận USDA của Mỹ.

Đây là sản phẩm được làm từ các loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao như gạo lứt đỏ hữu cơ, gạo đen hữu cơ hoang dã dành cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu về thực phẩm sạch như những người bị bệnh, trẻ em, người có thu nhập cao, quan tâm đến sức khỏe… Sản phẩm này đang nhận được phản hồi tốt của thị trường.

Gửi trọn tình yêu và cái tâm trong từng gói mì gạo mang hương vị quê nhà, chị Thủy đang chắp cánh cho thương hiệu Tâm Thủy vươn xa đến mọi miền đất nước.     

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm