pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không để trẻ tự kỷ bị “bỏ quên” trong dịch bệnh
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam
Theo thống kê của ngành giáo dục năm 2020, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ khuyết tật trong trường học. Con số này chưa phản ánh đúng thực tế, vì còn nhiều trẻ tự kỷ không được chẩn đoán hoặc không được đến trường. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã quan tâm nhiều hơn đến trẻ tự kỷ nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, cho biết, có 3 vấn đề còn bất cập liên quan đến trẻ tự kỷ ở nước ta là chính sách, y tế và giáo dục. Theo thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tự kỷ được xếp vào dạng khuyết tật khác. Trẻ có mức độ nặng và đặc biệt nặng được nhận trợ cấp xã hội và có bảo hiểm y tế. Nhưng nhiều cán bộ địa phương còn chưa hiểu rõ về tự kỷ nên việc cấp giấy xác nhận khuyết tật còn khó khăn, lúng túng. Nhiều cha mẹ cũng chưa ý thức được quyền lợi của giấy này nên chưa chịu làm, gây thiệt thòi cho trẻ.
Về y tế, để làm được giấy xác nhận khuyết tật cho trẻ, cần có chẩn đoán của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh cấp. Nhưng nhiều bệnh viện cũng không biết rõ về tự kỷ nên việc chẩn đoán cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ phải đưa con lên bệnh viện tuyến Trung ương. Trẻ khuyết tật nhẹ trên 6 tuổi không được bảo hiểm y tế, nên chi phí y tế trở thành gánh nặng cho gia đình. Về giáo dục, trẻ khuyết tật học hòa nhập được ưu tiên học trễ 3 năm, miễn giảm một số môn học, nhưng không có giáo viên giáo dục đặc biệt trong trường phổ thông, hoặc không cho phép có người đi kèm để hỗ trợ, nên việc học hòa nhập của trẻ còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, trong 2 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 kéo dài càng khiến cho trẻ tự kỷ bị thiệt thòi do ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng như các môi trường giáo dục dành cho trẻ tự kỷ."Trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ tăng động, cần nhiều hoạt động để điều hòa giác quan và cần không gian rộng rãi, thoáng mát. Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, các trường học bị đóng cửa, trẻ phải ở nhà. Nhiều nhà chật hẹp, nóng bức, trẻ bức bối khó chịu, dễ nổi nóng và có nhiều hành vi khó kiểm soát hơn, đôi khi gây thương tích. Trẻ tự kỷ thường có hành vi hay hoạt động, lịch trình rập khuôn. Nếu thường ngày được ra ngoài đi bộ, đi xe đạp mà khi dịch bệnh không được đi, trẻ sẽ cáu giận, la hét, hoặc sức khỏe kém đi do thiếu vận động", bà Phạm Thị Kim Tâm cho biết.
Cùng con trở lại với cuộc sống bình thường
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trẻ bình thường ở nhà quá lâu vì dịch bệnh đã bị các chứng bệnh như trầm cảm và rối loạn tâm lý. Trẻ tự kỷ lại càng khó khăn hơn khi không được đi học, tiếp xúc với không khí ngoài trời.
Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam chia sẻ, trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng ở nhà trong thời gian dài chắc chắn không tốt. Trẻ ở nhà sẽ thiếu vận động, ăn nhiều dễ tăng cân, béo phì, tiếp xúc nhiều với máy tính cũng hại mắt. Nhưng trong hoàn cảnh bất khả kháng còn tùy tình trạng của trẻ và sự can thiệp của gia đình.
Ví dụ như trẻ tự kỷ quá nặng thì khó có thể học online. Trẻ nhẹ hơn một chút thì cha mẹ phải học cùng. Trẻ tự kỷ nhẹ có thể học online hoặc thậm chí là tự học các chương trình home schooling. Nếu cha mẹ tận dụng thời gian để học và can thiệp nhiều cùng con, dạy con kỹ năng tự phục vụ, làm việc nhà, thì trẻ sẽ có tiến bộ hơn.
Hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội đã được gỡ bỏ, vì thế cha mẹ nên cùng con trở lại với cuộc sống bình thường như đưa con ra bên ngoài, đi chơi công viên để tiếp xúc với thiên nhiên và con người. Duy trì học online nếu con không đến trường được, có thể mời giáo viên đến dạy con tại nhà để trẻ không bị gián đoạn việc can thiệp, ảnh hưởng đến sự tiến bộ. Cùng với đó, cha mẹ dành thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân để vui chơi cùng con, tránh cáu giận. Thường xuyên tổ chức các hoạt động trong gia đình để thu hút con tham gia.
Trước thực trạng nhiều trẻ sau thời gian dài nghỉ học "sợ" đến trường, bà Phạm Thị Kim Tâm cũng khuyên rằng, nghỉ học quá lâu, trẻ sẽ sinh tâm lý lười biếng, ì ạch. Vậy nên các trung tâm giáo dục cho trẻ, các trường học cần trang trí lại cơ sở giáo dục vui tươi, bắt mắt, thân thiện, thiết kế các hoạt động nhẹ nhàng, mang tính vui chơi thoải mái, giúp trẻ có hứng thú đi học và ổn định lại nề nếp.
Cùng với đó, cha mẹ làm công tác tư tưởng trước cho con bằng cách gợi chuyện, hỏi ý kiến con, thông báo ngày giờ đến trường học lại, không thúc ép, la mắng. Có thể cho con đến trường từ ít giờ rồi tăng dần, không để trẻ có cảm giác bị bỏ lại trường, hoặc bị tách cha mẹ đột ngột sau thời gian dài ở nhà.