'Kích thích' lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện

18/12/2018 - 12:45
Chỉ có gần 250 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện; trong khi đó, lực lượng lao động khu vực phi chính thức tới gần 20 triệu người nhưng chưa tiếp cận an sinh xã hội, để đảm bảo cuộc sống bền vững.

Mới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, nhưng mới có khoảng hơn 200 ngàn lao động tham gia, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số lao động của khu vực phi chính thức và chiếm khoảng 0,4% tổng lực lượng lao động là một kết quả còn quá hạn chế.

Trong số những người tham gia BHXH tự nguyện, có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội.

Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, với 18 triệu việc làm năm 2016, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội.

Nêu hạn chế về sức hút của BHXH tự nguyện với người lao động, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc; Trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện; Các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe.

lao-dong-giup-viec.jpg
Lao động nữ giúp việc gia đình, lao động khu vực phi chính thức ít cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội

Đặc biệt, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Ngoài ra có các nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện chính sách BHXH như: Chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương; Tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao; Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, các đại biểu cho rằng, cần các biện pháp phát triển thêm đối tượng mới; đồng thời duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.

Giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện như: Có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Giải pháp duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống tập trung vào việc: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; Sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH một lần, trong đó có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần; Tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ trong chính sách BHXH; Đàm phán, ký kết các Hiệp định BHXH song phương với các nước.

bao-hiem-xa-hoi.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng... 

"Phụ nữ di cư, làm việc ở khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Cụ thể, có 42% lao động nữ di cư từ nông thông ra thành phố năm 1989, đã nâng lên tới 54% vào năm 2013. Họ có độ tuổi khá trẻ, là 23 tuổi và đa số có gia đình. Lao động nữ di cư phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải tách ra khỏi gia đình, xóm giềng ở quê. Cư ngụ tại thành phố, họ phải chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không đảm bảo an ninh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, xâm hại…

Vì vậy, lao động nữ di cư ít được tiếp cận dịch vụ xã hội, chưa được hỗ trợ và thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến".

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm