Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023): Phụ nữ Hà Nội không ngừng sáng tạo

Mai Vàng
10/10/2023 - 08:00
Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023): Phụ nữ Hà Nội không ngừng sáng tạo

Các đại biểu tại Ngày hội “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo 2023”

Với sự quan tâm của cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ nữ của Hà Nội đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Với tài năng, sự sáng tạo, các tầng lớp phụ nữ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô.
Tỷ lệ cán bộ nữ tăng

Theo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, phụ nữ chiếm khoảng 50,4% trong dân số Thủ đô và chiếm 42,8% tổng số đảng viên. Những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ của thành phố Hà Nội đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. 

Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp thành phố đạt 19,7% (tăng 7,7%); 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, là 24,13%. 

Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước từ 2,4% đến 11,2%.

Đến nay, Hội LHPN TP Hà Nội có 33 đầu mối trực thuộc cấp huyện, 747 cơ sở Hội, trên 5.300 chi hội, hơn 11.500 tổ phụ nữ. Trong 10 năm qua, toàn thành phố đã phát triển 129.936 hội viên, đưa tổng số hội viên quản lý lên trên 913.000 người.

Không ngừng sáng tạo

Với tâm huyết hỗ trợ người nông dân đảm bảo an toàn trong quy trình sản xuất nông nghiệp, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh), đã dày công nghiên cứu, sáng chế ra chế phẩm hữu cơ vi sinh với tên gọi VBIO đa năng Việt Hùng. Chế phẩm tập hợp khoảng 80 loài vi sinh vật có ích, hỗ trợ đảm bảo vệ sinh môi trường, làm gia tăng giá trị dinh dưỡng cho đất.

Hay bà Cao Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh Đoàn kết xã Phương Tú (huyện Ứng Hoà), đã nỗ lực vận động người nông dân dồn điền, đổi thửa, tập trung đất đai để trồng lúa quy mô lớn. Bà còn kết hợp với sử dụng các thiết bị tự động hoá, ứng dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến sau thu hoạch. 

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp của Thành phố đã có nhiều đổi mới hoạt động, các phong trào thiết thực, qua đó góp phần vào kết quả chung của thành phố. Chị em phụ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị với tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Thành phố đang thực hiện 3 công việc rất quan trọng liên quan đến sự phát triển trung và dài hạn, trong đó có việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; sửa đổi Luật Thủ đô; xây dựng Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, vai trò của phụ nữ đối với mỗi gia đình nói riêng và đối với tương lai phát triển của Thủ đô là rất quan trọng”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Từ năm 2018 đến nay, bà đã phát triển vùng trồng tại 4 quận, huyện, tạo ra sản phẩm gạo đạt OCOP 4 sao. Và còn rất nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ thời gian qua đã góp phần tô thắm "bức tranh" kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo số liệu thống kê 9 tháng của năm 2023, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, chuyên gia tổ chức tập huấn, truyền thông, nâng cao kiến thức, năng lực khởi nghiệp cho trên 1.000 phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm; 

tín chấp trên 8.152 tỷ đồng vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; hướng dẫn thành lập mới 5 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành, hỗ trợ 724 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em

Thủ đô Hà Nội hiện có 13 xã, 1 thôn trên địa bàn của 5 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất nằm trong vùng DTTS và miền núi. 

Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, cho biết, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Thủ đô đã tích cực thực hiện Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Hiện nay, tại 14 xã, Hội đang tín chấp 180,608 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.845 người vay, 74,9 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho 758 người vay để phát triển kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bà Lê Kim Anh cho rằng, cần phải quan tâm rà soát, kiểm tra, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển toàn diện của phụ nữ thành phố; xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em; 

quan tâm đến nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, nữ cựu thanh niên xung phong, nữ lao động các khu công nghiệp và chế xuất, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, các cấp, các ngành cần xác định rõ vị trí, vai trò của phụ nữ trong bối cảnh mới, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự quan tâm đúng hướng.

Đặc biệt, các cấp, các ngành phải quan tâm đồng thời đối với 3 nhóm đối tượng phụ nữ, tạo thế "kiềng 3 chân" trong công tác phụ nữ. Đó là nhóm đối tượng yếu thế, nhóm đối tượng đại trà và nhóm đối tượng tiên tiến, xuất sắc để tạo nên động lực, đầu tàu, lan tỏa tạo lên khát vọng cho các đối tượng khác cùng phấn đấu vươn lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm