Hội viên, phụ nữ Thủ đô hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích

31/08/2023 12:01
“Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích” tại Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh

“Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích” tại Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh

Hội LHPN quận Ba Đình (Hà Nội) vừa ra mắt "Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích" tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt Đền Quán Thánh, một trong tứ trấn của kinh đô Thăng Long Hà Nội.

Hiện nay, người dân, du khách đến tham quan tại các di tích lịch sử, văn hóa chủ yếu là ăn mặc trang phục lịch sự, văn minh, tuy nhiên cũng vẫn còn tình trạng một số người dân, du khách còn mặc trang phục thoải mái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục khi đến nơi tâm linh, tín ngưỡng.

Nắm bắt được tình hình, vừa qua, Hội LHPN Quận Ba Đình đã ra mắt "Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích" tại di tích lịch sử cấp Quốc Gia Đặc biệt Đền Quán Thánh, một trong tứ trấn của kinh đô Thăng Long Hà Nội.

Hội viên phụ nữ Thủ đô hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích - Ảnh 1.

Các hội viên phụ nữ sẽ hỗ trợ, hướng dẫn và cho mượn trang phục để du khách khi tham quan di tích được trang trọng, lịch sự

Công trình là một trong những hành động cụ thể, là lời kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn Quận chung tay bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long Tứ Trấn, niềm tự hào của thủ đô ngàn năm văn hiến, để lan tỏa tình yêu Hà Nội bằng những hành động cụ thể, những cử chỉ đẹp, ứng xử văn minh.

Theo đó, các hội viên phụ nữ sẽ hỗ trợ, hướng dẫn và cho mượn trang phục để du khách khi tham quan di tích được trang trọng, lịch sự. Việc làm này tạo được thiện cảm, sự đồng tình của du khách trong và ngoài nước.

Hội viên phụ nữ Thủ đô hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thanh Tâm, ở tỉnh Thái Bình lên thăm Hà Nội. Sau khi đưa các con đi thăm quan vườn Bách Thú, khu vui chơi... chị muốn vào Đền Quán Thánh thắp hương nhưng ngặt nỗi cả đoàn lại đang mặc quần soóc. Rất may, cán bộ hội phụ nữ địa phương đã hỗ trợ cho chị mượn trang phục phù hợp để vào tham quan và thắp hương tại di tích Đền Quán Thánh. "Tôi thấy điểm hỗ trợ trang phục này rất có ích và thuận tiện cho khách thăm quan. Nếu không có điểm hỗ trợ trang phục này, chắc tôi không dám vào Đền" - chị Tâm chia sẻ.

Việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh trong di tích vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, việc xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nét đẹp văn hóa, thói quen tuân thủ những quy định về bảo vệ, gìn giữ, phát huy, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng. Đây cũng là giải pháp hiệu quả thu hút nhiều hơn nữa du khách thập phương đến với các di tích trên địa bàn.

Hội viên phụ nữ Thủ đô hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích - Ảnh 3.

Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN Quận Ba Đình cho biết, các cấp hội phụ nữ toàn Quận xác định vai trò trách nhiệm và sứ mệnh của mình tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, phụ nữ vận động những người thân trong gia đình từ đó lan tỏa ra mỗi người dân trong cộng đồng dân cư, các du khách thập phương trong và ngoài nước thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử nơi di tích, danh lam thắng cảnh. Làm sao để mỗi hội viên phụ nữ sẽ như một sứ giả du lịch của địa bàn mình để quảng bá, giới thiệu lịch sử văn hóa Thăng Long tứ Trấn, giới thiệu về Ba Đình lịch sử tự hào đất thập tam trại ngàn năm, quảng bá hình ảnh người dân Ba Đình "Thanh lịch văn minh, nghĩa tình".

Đền Quán Thánh là một trong những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội, là nơi thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long xưa. Theo sử liệu, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây.

Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh. Năm 1962, Đền được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Sau 60 năm, ngày 18/1/2022, Đền Quán Thánh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân phường Quán Thánh trong việc bảo tồn, phát huy, gìn giữ những giá trị của di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn