Phụ nữ Thủ đô tập huấn thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo

PV
17/06/2023 10:44
PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tín ngưỡng tôn giáo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tín ngưỡng tôn giáo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tập huấn "Phụ nữ với thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo - Những vấn đề đặt ra hiện nay", theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tín ngưỡng tôn giáo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm báo cáo viên tại hội nghị. 

Viện trưởng Viện Tín ngưỡng tôn giáo nhấn mạnh, tín đồ của tín ngưỡng, tôn giáo phần đông là phụ nữ bởi họ là người chủ gia đình, coi sóc "âm phần" của cả gia đình, họ tộc, nên họ đi theo các buổi lễ, đến các đền, chùa, miếu, phủ để cầu cúng cho cả gia đình.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền đã trao đổi các nội dung chuyên đề về phụ nữ trong thực hành nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo, gồm 4 phần: Phụ nữ là đối tượng được tôn thờ/thần chủ; phụ nữ là chủ các khóa lễ/chủ tế; phụ nữ là người sáng lập tôn giáo mới/giáo chủ; phụ nữ là người tham gia với tư cách là một tín đồ trong thực hành tâm linh (bói toán, cúng bài, kiêng kị), thực hành tín ngưỡng, tôn giáo (đạo tràng, đạo lạ); những vấn đề đặt ra hiện nay trong thực hành nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo.

Phụ nữ Thủ đô tập huấn thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị là cơ sở để chị em trang bị và nâng cao kiến thức về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; vận dụng và phát huy những kiến thức đã được học để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tại cơ sở; trở thành những tuyên truyền viên trong gia đình, người thân, hội viên phụ nữ và cộng đồng, giúp mọi người cùng thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của mọi người; vừa bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; ổn định an ninh, trật tự xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. 

Đặc biệt, Viện trưởng Viện Tín ngưỡng tôn giáo đã đề cập đến những vấn đề đặt ra hiện nay trong thực hành nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu như trước đây, các ông (bà) đồng chuyên nghiệp được thần linh lựa chọn làm kẻ "trung gian" giữa cõi vô hình và hữu hình thì ngày nay, việc lên đồng đã trở nên phổ biến, thậm chí là... dành cho mọi người, nếu không muốn nói là tất cả đều có khả năng lên đồng trong khi hầu đồng là một nghi lễ thực hành tín ngưỡng, không phải ai cũng thực hành được.

Đáng lo ngại hơn, mỗi khóa đồng tại các phủ hiện nay phải đặt lịch với thủ nhang trước cả tuần, cả tháng. Khóa lễ này chưa ra, khóa tiếp đã xếp đồ chờ sẵn. Mỗi tháng, tiền hầu đồng ở Phủ Dầy bình quân hàng chục tỉ đồng. Và người dân tin rằng, khóa hầu càng to, càng tốn thì thánh, thần càng hiển linh. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh năm 2016, đáng lẽ giá trị của thanh đồng phải được nâng lên, nhưng thực tế lại đang đi xuống.

Hay thời gian qua, đã có trường hợp, nhiều người dân đi ngược với phong tục tập quán của dân tộc, bỏ thờ cúng tổ tiên mâu thuẫn gia đình, dòng tộc. Bỏ việc, hằng ngày tập trung thực hiện nghi lễ, cầu kinh sám hối; nhiều nhóm luôn khuyên bệnh nhân từ chối các liệu pháp y học để chữa trị bằng pháp thuật và niệm thần chú... 

Trước những thực trạng trên, PGS.TS Đỗ Lan Hiền lưu ý, phụ nữ cần có một tâm thế bình đẳng, dân chủ, an nhiên tự tại trước thánh thần, thực hành tín ngưỡng tôn giáo nhưng tránh mê tín dị đoan; cần hết sức tỉnh táo và đủ kiến thức để thực hành tín ngưỡng, tôn giáo một cách văn minh, khoa học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn