Kỷ niệm Ngày TBLS 27-7: Chiếc nồi nấu cơm nuôi cách mạng

18/07/2017 - 11:45
Chiếc nồi là kỷ vật của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bịch, gắn liền với những năm tháng mẹ bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954).
Ngày 19/12/1946, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân cả nước đồng tâm bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ để giành lại nền độc lập.

Ngày 2/3/1947, quân Pháp tập trung quân đánh chiếm Hà Đông, chiếm cả  huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), quê hương của mẹ Nguyễn Thị Bịch. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Đan Phượng vừa tiếp tục lao động sản xuất, vừa đấu tranh để phá vỡ thế kìm kẹp, áp bức, bóc lột của địch, đồng thời gây dựng cơ sở, tổ chức cách mạng trong lòng địch.
chiec-noi-nau-com-cua-me-nguyen-thi-bich.JPG
Chiếc nồi nấu cơm của mẹ Nguyễn Thị Bịch

Trong giai đoạn này, gia đình mẹ Nguyễn Thị Bịch là một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Chồng mẹ tham gia hoạt động bí mật trên địa bàn địa phương và khi có báo động thì rút sang phía bên kia bờ sông thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Một mình mẹ tảo tần cày quốc sớm hôm để lao động sản xuất, nuôi cả gia đình, đồng thời nuôi cả các đồng chí cán bộ đang trú ẩn trong hai căn hầm bí mật tại nhà. Dù công việc gia đình đè nặng lên vai nhưng mẹ vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. làm công tác địch vận, làm liên lạc…

Chiếc nồi nhôm là một trong những vật dụng đồng hành cùng mẹ trong những tháng năm hoạt động cách mạng sôi nổi đó. Theo lời mẹ kể lại: Chiếc nồi được mua của một người bán hàng rong vào những năm 1947- 1948, dùng để nấu cơm phục vụ cho cán bộ bí mật tại gia đình và đội dân quân du kích tại địa phương.

Chiếc nồi được đúc theo kiểu nồi đồng điếu ngày xưa, có hình tròn, đáy nồi loe ra, có thể nấu được rất nhiều gạo. Sau khi cơm chín, mẹ nắm cơm vào các mo cau, rồi đem đến các căn hầm bí mật cho cán bộ ăn.

Những khi đi tiếp tế cho dân quân du kích, mẹ bọc những nắm cơm đó vào khăn vuông, lót lá chuối lên trên, giả làm người cắt cỏ để che mắt quân địch. Những nắm cơm nấu từ chiếc nồi này đã làm ấm lòng biết bao cán bộ, dân quân đến tận sau năm giải phóng 1954.

Sau đó, chiếc nồi nhôm còn tiếp tục được dùng trong các sinh hoạt hằng ngày của gia đình như nấu cơm, nấu xôi, đun nước gội đầu…
Ngày 27/8/2007, mẹ Nguyễn Thị Bịch đã trao tặng chiếc nồi cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Mẹ Nguyễn Thị Bịch sinh năm 1921 tại thôn Nại Yên, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ, nay là thủ đô Hà Nội). Mẹ có chồng và 2 con là liệt sĩ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm