pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỳ vọng gửi tới Đại hội
Hoạt động Hội cần tập trung hướng về cơ sở
Thời gian tới, tổ chức Hội cần nghiên cứu nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ cán bộ Hội, chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, hướng các hoạt động vào thực chất, có chiều sâu và bền vững, mang lại lợi ích thật sự cho hội viên, phụ nữ. Hội LHPN các cấp cần xác định cơ sở là địa bàn trực tiếp đối với người dân, là nơi những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được hiện thực hóa. Do đó, hoạt động Hội cần tập trung hướng về cơ sở bằng những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cần chú trọng công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền.
Ông Trần Đức Quận, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng
Hỗ trợ phụ nữ đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn từ dịch chuyển "xanh" và chuyển đổi số
Giai đoạn 5 năm tới sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Một trong những thách thức chính mà Việt Nam, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, sẽ phải đối diện đó là những tác động về kinh tế - xã hội do đại dịch covid-19 gây ra. Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ quan tâm một số vấn đề sau. Một là, cân nhắc một số cách thức và cơ chế để hỗ trợ phụ nữ đóng góp tốt hơn và hưởng lợi nhiều hơn từ dịch chuyển "xanh" và chuyển đổi số trong quá trình phục hồi kinh tế. Hai là, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước những rủi ro về an ninh và hỗ trợ họ đảm nhiệm vai trò bình đẳng như nam giới trong việc xây dựng và duy trì hòa bình.
Ba là, góp phần thúc đẩy một hệ thống bảo trợ xã hội bình đẳng về giới và có tính bao trùm. Bất bình đẳng giới tồn tại trong thị trường lao động, trong quan hệ xã hội và gia đình, cho nên các quy định trung tính về giới có thể là chưa đủ để đảm bảo một hệ thống bảo trợ xã hội có hiệu quả cho phụ nữ. Bốn là, Hội LHPN Việt Nam sẽ gây dựng một trào lưu văn hóa mới, nhằm làm nổi bật vai trò tiên phong của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Mong Hội tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong vận động và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ
Trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới là những giá trị phổ quát. Theo đó, các giá trị ấy được thể hiện qua Mục tiêu 5 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mà thế giới đã thống nhất đạt được vào năm 2030. Tôi hy vọng Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong vận động và thúc đẩy mạnh mẽ để đạt được SDG 5 tại Việt Nam và vươn xa hơn nữa trở thành tổ chức tiên phong trên thế giới. Để làm được điều đó, đoàn kết và hợp tác với các đối tác bao gồm các chính phủ, lĩnh vực công và tư, các viện, cơ quan hợp tác phát triển quốc tế… là rất quan trọng.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cam kết sẽ ủng hộ tích cực để Hội LHPN Việt Nam theo đuổi mục tiêu SDG 5. Là một cơ quan hỗ trợ phát triển, KOICA lồng ghép bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động của mình. Và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi giới đều có quyền, trách nhiệm và cơ hội như nhau. Cách tiếp cận của chúng tôi không chỉ đem lại các quyền cơ bản của con người cho phụ nữ thiệt thòi mà còn giúp họ trở thành "tác nhân thay đổi" đối với gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc gia của họ.
Ông Cho Han - Deog, Giám đốc Quốc gia, Văn phòng KOICA Việt Nam
Mong nhiệm kỳ XIII sẽ là cú hích lớn với phụ nữ
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Điều khiến tôi trăn trở hiện nay là vấn đề bình đẳng giới. Đây là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa. Đội bóng đá nữ Việt Nam là minh chứng cho sự nỗ lực, kiên cường của phụ nữ để đem vinh quang về cho đất nước, cũng giống như những phụ nữ trong lịch sử. Trong nghiên cứu khoa học, trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế, phụ nữ đã chứng minh mình làm rất tốt. Tôi nghĩ thời gian tới là thời điểm lịch sử, cần có sự bứt phá.
Tôi mong nhiệm kỳ tới sẽ là cú hích cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là nữ trí thức, trong đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong sự cất cánh của dân tộc. Hơn bao giờ hết, cần phát huy vai trò của phụ nữ, cần quan tâm giải quyết những vấn đề "nóng", những khó khăn, tác động xấu của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ, trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
Triển khai việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong hoạt động Hội, góp phần xây dựng đô thị văn minh
Những năm qua, với tình cảm, niềm kính yêu vô hạn, cán bộ hội viên phụ nữ quận Ba Đình luôn xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã được các cấp Hội LHPN quận Ba Đình cụ thể hóa, gắn kết với phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc"; cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"; "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp".
Trong đó, Hội LHPN quận Ba Đình lựa chọn, hướng việc thực hiện đến mục tiêu xây dựng đô thị văn minh. Các mô hình làm theo Bác của phụ nữ quận Ba Đình đều thể hiện tinh thần "Dân vận khéo" tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cổ vũ đông đảo phụ nữ và gia đình đóng góp công sức, nguồn lực tham gia như: "Hoa trong phố","Tuyến phố xanh" "Sân chơi cộng đồng", "Tranh tường"…
Trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi phát động và triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ Ba Đình ứng xử đẹp, thanh lịch, văn minh, trọng khách" với 4 đề án, chương trình: Đề án "Xây dựng chi hội văn minh - Hội viên thân thiện"; Đề án chiến lược truyền thông "Nét đẹp phụ nữ Ba Đình"; Chương trình "Phụ nữ Ba Đình ứng xử đẹp với môi trường"; Chương trình "Cử chỉ đẹp - Hạnh phúc lớn", nhằm vận động thực hiện, truyền thông, quảng bá hình ảnh duyên dáng, thanh lịch, năng động của phụ nữ Ba Đình; đặc biệt quan tâm đến việc vận động phụ nữ kinh doanh, dịch vụ, phụ nữ làm việc tại các khu di tích lịch sử văn hóa đề cao lòng tự trọng, sự thân thiện, mến khách để mỗi người đến với Ba Đình sẽ có những ấn tượng tốt đẹp.
Tổ chức Hội cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ Thủ đô sống có trách nhiệm với cộng đồng và thượng tôn pháp luật. Cùng với việc đề xuất triển khai các đề án, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ; các cấp Hội cần chủ động nắm bắt, phát hiện, lên tiếng và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ ngay từ cơ sở.
Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, Hà Nội
Cần đẩy mạnh quan tâm chăm lo cho phụ nữ và trẻ em hậu đại dịch
Tôi mong Đại hội lần này sẽ đề ra những chính sách để hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em khu vực nông thôn, trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19. Bởi lẽ, bên cạnh hỗ trợ về vật chất thì việc giúp đỡ về tinh thần, tâm lý rất cần thiết, giúp các em có thể tự tin bước vào cuộc sống mới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung, tôi nhận thấy "nhịp sống" nhà Hội thực sự sôi động, vai trò nòng cốt của tổ chức Hội được khẳng định. Ở đâu chúng ta cũng thấy được bóng dáng cán bộ, hội viên phụ nữ nỗ lực tham gia phòng, chống dịch. Tôi nghĩ, cần phải duy trì và phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong hoạt động chăm lo cho phụ nữ và trẻ em.
Sau tác động của dịch bệnh, nhiều phụ nữ sẽ gặp khó khăn về kinh tế. Vì vậy, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển cần có những giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài, bền vững, không chỉ dừng ở việc hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế mà cần hướng dẫn cách quản lý, sử dụng vốn, kết nối phụ nữ khởi nghiệp, giúp chị em tự tin, phát triển kinh tế bền vững.
Chị Đoàn Thị Cẩm Tú (quận 3, TPHCM)
Tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển bản thân
Phụ nữ dân tộc thiểu số chúng tôi đang rất cần hai vấn đề: Kiến thức và nguồn vốn để phát triển kinh tế. Về kiến thức, chị em cần được nâng cao trình độ văn hóa. Ở các bản, làng, có nhiều chị em đã tham gia lớp học xóa mù chữ. Đảng, nhà nước ta những năm qua đã quan tâm, có những chủ trương, chính sách nâng cao trình độ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ thực tế địa phương, tôi nhận thấy các lớp xóa mù chữ với cách thức, thời gian tổ chức như hiện nay là chưa đủ.
Với phụ nữ đã lập gia đình thì việc học chữ như học sinh là không phù hợp. Họ cần thời gian để học chứ không phải 2-3 tháng là có thể xóa mù chữ được. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình cũng là rào cản khiến phụ nữ khó có điều kiện để tự nâng cao trình độ của mình. Vì vậy, thời gian tới, tôi rất mong Hội quan tâm, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển bản thân.
Chị Dương Thị Huých, dân tộc Tày, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo, điều hành
Để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hải Phòng lần thứ 13, nhiệm kỳ 2021-2026, vào cuộc sống, Hội LHPN thành phố đã xác định 5 nội dung cụ thể.
Thứ nhất, đổi mới đồng bộ công tác chỉ đạo điều hành. Ngay sau Đại hội, Hội LHPN TP.Hải Phòng ban hành quy chế làm việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực. Đồng thời xác định nội dung ưu tiên cần tập trung chỉ đạo trong nhiệm kỳ như xây dựng đội ngũ cán bộ, ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo điều hành, truyền thông, nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, phát triển hội viên và trong hoạt động Hội. Đề xuất chính sách tạo cơ hội để phụ nữ tham gia các chương trình đề án phát triển kinh tế-văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống dân sinh, đến phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề lao động việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến mỗi gia đình, mỗi phụ nữ.
Hai là, tập trung vận động xã hội hoá các nguồn lực. Bên cạnh đó truyền cảm hứng từ các điển hình để phát huy nội lực, tinh thần tự chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ đảm bảo không ai không được tổ chức Hội quan tâm hỗ trợ; phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt của Hội Nữ trí thức, Hội nữ doanh nhân.
Ba là, xây dựng các mô hình tập hợp phụ nữ, thu hút hội viên phù hợp thực tiễn, nhu cầu của hội viên, đồng thời giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách từ thành phố đến cơ sở tinh thông về nghiệp vụ, bám sát cơ sở, giàu tính sáng tạo, ứng xử linh hoạt, hành động quyết liệt. Chăm lo hỗ trợ chi hội trưởng có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ của Hội đảm bảo tham gia được bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Năm là, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đề án, công trình phần việc phụ nữ, huy động sự tham gia hiến kế về vật chất, trí tuệ của các tầng lớp phụ nữ cho công tác phụ nữ, cho hoạt động Hội và sự phát triển của địa phương, của thành phố.
Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng
Đào tạo kỹ năng làm giàu cho phụ nữ vùng cao
Phụ nữ Dao đỏ ở thôn chúng tôi giờ rất tích cực học hỏi, có khát khao làm giàu. Một số chị em đã mạnh dạn kinh doanh, ra ngoài làm thêm. Nhờ đó, cuộc sống được cải thiện, nhận thức của phụ nữ được nâng lên. Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, tôi luôn mong cuộc sống của mình và các chị em trong thôn tốt hơn. Phụ nữ có thể chủ động, tự tin trong cuộc sống. Muốn làm được điều đó, chúng tôi phải tự chủ về kinh tế, phải có kiến thức. Tôi luôn trăn trở tìm cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho chị em. Bản thân tôi kinh doanh lá nước tắm của người Dao đỏ. Tôi mở rộng việc bán hàng online, bán trực tiếp để phát triển kinh doanh, tạo thêm việc làm cho chị em trong thôn. Mỗi đợt hái (2-3 tháng), mỗi người cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này với phụ nữ vùng cao là lớn, giúp chị em đỡ chật vật hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng vận động chị em trồng rau, học hỏi các mô hình hay trong phát triển kinh tế.
Xã Ngũ Chỉ Sơn cách thị xã Sa Pa không xa, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội sẽ quan tâm đào tạo cho phụ nữ kỹ năng làm giàu, tạo điều kiện để chị em được học hỏi kinh nghiệm của các mô hình hay. Tôi mong muốn, khi du lịch được đầu tư và phát triển ở xã, phụ nữ sẽ là lực lượng đi đầu, chủ động đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Tôi luôn ấp ủ việc mở hợp tác xã, ở đó có nhiều mô hình như nấu rượu, lá thuốc, trồng nấm… để quy tụ chị em cùng tham gia. Tuy nhiên, điều khó khăn với chúng tôi là đầu ra. Nếu các cấp Hội có thể nghiên cứu, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm vùng cao, tôi tin, phụ nữ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người trẻ, sẽ tự tin làm giàu trên chính quê hương mình.
Chị Chảo Lở Mẩy, 25 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Can Hồ A
(xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)