Xuất phát từ một làng nghề 400 năm tuổi, chị Lương Thị Diện (SN 1970) - Hợp tác xã (HTX) Bún bánh nông sản sạch Đa Mai (phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang) - đã lựa chọn con đường khởi nghiệp từ những sợi bún truyền thống.
Với đôi tay từng giã bột, ép khuôn, chị bước lên vai trò người dẫn dắt hàng chục phụ nữ địa phương xây dựng kinh tế tập thể, đưa nghề cũ trở thành sản phẩm OCOP 3 sao và gắn với du lịch trải nghiệm. Phía sau thành công ấy là một câu chuyện bền bỉ, tỉ mẩn và đầy tâm huyết với hồn nghề quê hương.
Chị Diện và các sản phẩm của HTX
Từ truyền thống sang hiện đại, nhưng vẫn giữ hồn cốt của làng nghề
Cơ duyên đưa chị Lương Thị Diện đến với nghề bún không đến từ bàn cân lợi nhuận, mà đến từ một bản hồ sơ hành chính. Năm 2009, khi còn là cán bộ Đài truyền thanh phường Đa Mai, chị được giao nhiệm vụ đi khảo sát để lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống cho địa phương. Trong quá trình tìm hiểu, gặp gỡ những cụ ông, cụ bà đã qua ngũ tuần vẫn miệt mài "tráng bánh, ép bún", chị mới thật sự cảm nhận được hơi thở sống động của một làng nghề tồn tại hàng thế kỷ.
4 thôn gốc của Đa Mai là thôn Sẫu, Đình, Chùa, Đọ với khoảng hơn 100 hộ làm bún, bánh rải rác, có những gia đình đã truyền nghề đến đời thứ 5. Có cụ tuy tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn, ngồi cắt bún bằng tay, ngâm gạo bằng kinh nghiệm và đong nước bằng thói quen mắt thường. "Tôi nhận ra rằng, nếu mình không làm gì, nghề này có thể mai một khi thế hệ ấy không còn", chị Diện nhớ lại.
Chị Diện (bên trái) đã mày mò nghiên cứu và đầu tư cho HTX Đa Mai để tạo ra những sản phẩm bún ngon, bổ dưỡng, tiện dụng cho người tiêu dùng
Sau khi làng nghề Đa Mai được công nhận chính thức năm 2010, chị vẫn trăn trở: Làm thế nào để gìn giữ nghề mà không chỉ dựa vào truyền thống? Câu trả lời đến vào năm 2017, khi Hội LHPN phường được giao nhiệm vụ thành lập một HTX do phụ nữ làm chủ. Chị Diện tình nguyện đứng ra làm Giám đốc.
Ban đầu, việc sản xuất vẫn thủ công. Làm bún theo cách truyền thống mất rất nhiều công sức: Từ việc ngâm gạo ủ chua 2-3 ngày, xay mịn, giã bột, nhào kỹ, rồi ép vào khuôn nấu chín, mỗi giờ chỉ làm được chừng 30 kg bún. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị cùng các thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư hơn 26 thiết bị máy móc hiện đại, nâng sản lượng lên 15 tấn bún tươi mỗi ngày.
Tuy nhiên, bún tươi lại khó vận chuyển, bảo quản. Và thế là chị chuyển hướng, khởi động Dự án bún khô Đa Mai. Từ truyền thống sang hiện đại, nhưng vẫn giữ hồn cốt của làng nghề. Đó là bước ngoặt giúp sản phẩm vượt ra ngoài tỉnh, tiếp cận thị trường toàn quốc, hướng tới xuất khẩu.
HTX thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm
Không chỉ làm bún để bán, chị Diện và các thành viên HTX còn làm bún để "kể chuyện". Những sản phẩm như bún gạo lứt, bún chùm ngây, bún đậu biếc, bún gấc đều theo tiêu chuẩn "3 không": Không chất bảo quản, không phẩm màu, không phụ gia. Mỗi sợi bún không chỉ là thực phẩm, mà là kết tinh từ đất, nước và kinh nghiệm của người phụ nữ nông thôn Bắc Giang.
Không chỉ hoạt động hiệu quả, HTX còn tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập
Để phù hợp với lối sống hiện đại, các sản phẩm bún khô Đa Mai còn được đóng gói trong bao bì sang trọng, bắt mắt, dễ mang đi xa, dễ bảo quản lâu, thích hợp làm quà tặng. Nhiều người con xa quê khi mang theo những gói bún này sang nước ngoài đã nhắn lại: "Chỉ cần đun nước, nấu bát canh, là thấy hương quê mình".
Hội phụ nữ là "người bạn đồng hành" vững vàng
Không dừng lại ở sản xuất, chị Diện đã cùng HTX mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn: Đầu tư 7,5ha khu đồng trồng hoa, rau và phát triển du lịch sinh thái - trải nghiệm làm bún, làm bánh. Hàng nghìn lượt khách mỗi năm đã đến đây, không chỉ để thưởng thức các món ăn mà còn để nghe kể chuyện về một nghề truyền thống đã được "hồi sinh" nhờ bàn tay của người phụ nữ thời đại mới.
Thành công của HTX Bún bánh Đa Mai gắn liền với vai trò đồng hành sâu sát của Hội LHPN các cấp
Để nâng cao hiệu quả, HTX thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế, Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật sản xuất thực phẩm an toàn, kinh doanh chuỗi giá trị. Nhờ đó, các thành viên được tiếp cận công nghệ, nắm được cách quản lý, hoạch định thị trường, nâng cao năng suất và thu nhập. Đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho hơn 80 lao động nữ, với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng, một con số rất đáng kể ở vùng nông thôn.
Thành công của HTX Bún bánh Đa Mai gắn liền với vai trò đồng hành sâu sát của Hội LHPN các cấp. Không chỉ hỗ trợ thủ tục thành lập, Hội còn tạo điều kiện để HTX tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp, vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng.
Trong 8 năm hoạt động, HTX đã tổ chức 5 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, 15 lớp nâng cao năng lực cho Ban quản lý và kế toán. Hội cũng giúp chị Diện đưa sản phẩm ra các sân chơi lớn: Trưng bày ở Lễ hội Đền Xương Giang, Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc, các hội chợ tại Cần Thơ, Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng…
Không dừng lại ở "vai trò hỗ trợ", Hội đã trở thành "người bạn đồng hành" thực sự của chị Diện và HTX, từ định hướng phát triển đến truyền thông quảng bá. Đặc biệt, sau khi đạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" cấp tỉnh năm 2018, HTX đã có thêm nguồn lực để mở rộng thị trường, liên kết sản xuất quy mô lớn, gia nhập hệ sinh thái OCOP của địa phương.
Những sản phẩm như bún gạo lứt, bún chùm ngây, bún đậu biếc, bún gấc đều theo tiêu chuẩn "3 không": không chất bảo quản, không phẩm màu, không phụ gia
Với chị Diện, phần thưởng lớn nhất không phải là bằng khen, hay các con số về sản lượng. Đó là việc hàng chục chị em trong vùng không còn phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Đó là những đứa trẻ có mẹ ở nhà nấu cơm mỗi chiều. Đó là làng nghề Đa Mai, tưởng như đang ngủ quên, giờ đã bừng sáng dưới lớp áo mới: Nghề cũ, người mới, và tinh thần thời đại.
Liên hệ: Chị Lương Thị Diện - Đại diện Hợp tác xã Bún bánh nông sản sạch Đa Mai
Địa chỉ: Phường Đa Mai, TP Bắc Giang
Điện thoại: 0396558152
Làm bún để kể chuyện hiện đại hóa làng nghề truyền thống
Bài, ảnh: An Khê
28/04/2025 15:04