pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm giàu từ trồng nấm rơm bằng công nghệ sinh học
Học Công nghệ sinh học Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Kim Ngọc về quê hương ở Đông Cứu lập gia đình, làm kinh tế bằng việc trồng nấm sò.
Do có đam mê với sản xuất nông nghiệp nên trong quá trình canh tác, chị có theo học lớp lớp đào tạo tập huấn cho các nông dân trồng nấm rơm, thấy có khả năng thành công và phát triển theo mô hình mới, cho ra năng suất cao hơn nên chị quyết tâm làm.
Sau một thời gian nghiên cứu, chị Kim Ngọc quyết định chuyển đổi mô hình sang trồng nấm rơm và thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Kim Ngọc vào năm 2015.
Ban đầu khởi nghiệp, hợp tác xã chỉ có mấy nhà xưởng với số vốn ít ỏi mà hai vợ chồng tích cóp được. Khi làm ra sản phẩm, doanh thu rất ít vì các mẻ nấm thường xuyên bị hỏng.
"Do nấm rơm rất nhạy cảm với vi khuẩn nên trước khi trồng phải thực hiện tốt khâu xử lý vi khuẩn. Các khâu như ủ rơm, meo, chất nấm, tưới nước... phải được thực hiện khoa học, cẩn thận. Ban đầu, do chưa có lò hấp, lại đóng gói thủ công nên nấm bị nhiễm ấu trùng. Nhiều lần đã cấy meo giống xuống mà đợi mãi chỉ thấy mọc lèo tèo vài cái nấm. Những lúc như thế tôi lại càng quyết tâm hơn, tìm tòi để khắc phục các nhược điểm. Phải mất một vài vụ không thành công, sau đó tôi đã xây lò hấp để khắc phục", chị Ngọc cho biết.
Sau này, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Bình, chị Kim Ngọc vay thêm 300 triệu đồng tiền vốn trong vòng 4 năm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đồng thời cũng được theo học các khóa đào tạo do các chuyên gia nông nghiệp giảng dạy, các lớp tập huấn do Hội LHPN huyện Gia Bình phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức nên chị Ngọc càng có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trồng.
Chị Ngọc cho biết, quy trình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa cũng gọn nhẹ hơn. Sau khi meo nấm được cấy xuống các mô đã chuẩn bị sẵn thì dùng bao bố để phủ lên. Thay vì dùng rơm để che đậy, thì dùng bao bố sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí. Cách làm này sẽ tạo độ ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp vào các mô nấm, gây ảnh hưởng đến tơ nấm.
Hiện nay, nấm rơm do Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Kim Ngọc nuôi trồng đã cho ra năng suất cao, thu hoạch 1 tạ/ngày dễ tiêu thụ, cung cấp ra thị trường Hà Nội được rất nhiều với giá bán buôn từ 90 ngàn đồng/kg. Không chỉ cung cấp ra thị trường lớn, việc phân phối nhỏ lẻ cũng rất tấp nập, hầu như lượng nấm làm ra đều được tiêu thụ hết, không có hàng tồn.
Chị Ngọc chia sẻ: "Nhìn vậy thôi, nhưng để trồng được nấm rơm đạt năng suất cao thì chẳng dễ dàng chút nào. Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều lần thất bại. Thế nhưng, có thất bại mới thành công, điều quan trọng là phải có quyết tâm và lòng đam mê. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Sau 5 năm thành lập và chuyển đổi mô hình nuôi trồng hợp tác xã Kim Ngọc đã trở thành điểm sáng trong mô hình trồng nông sản năng suất cao. Chị Kim Ngọc đã không ngần ngại chia sẻ bí quyết và hướng dẫn nhiều chị em trong Hội phụ nữ xã, bà con nông dân cùng thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Cứu cho biết: "Mô hình của hợp tác xã Kim Ngọc cũng đã được triển khai đến các chị em hội viên. Hội LHPN xã Đông Cứu đã tham mưu với Hội LHPN huyện Gia Bình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thành lập Hợp tác xã giúp chị Ngọc; Phối hợp với Ngân Hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định hỗ trợ vay vốn cho HTX; Hỗ trợ để hoàn thiện các quy trình, thủ tục để sản phẩm được công nhận VietGap. Chi Hội cũng thực hiện rà soát những hội viên có ý tưởng, có khả năng làm và khả thi để báo cáo cáo cấp trên, thành lập hợp tác xã để được vay vốn khởi nghiệp. Khi các hội viên khởi nghiệp thì Hội luôn theo sát để kịp thời giúp đỡ".