Lao động nữ khu vực phi chính thức mong muốn gì ở BHXH tự nguyện?

05/04/2019 - 14:20
Mặc dù có thu nhập khá cao, lên tới gần 10 triệu đồng/tháng, nhưng phụ nữ di cư, lao động khu vực phi chính thức chưa quan tâm tới BHXH tự nguyện, để có chỗ dựa an sinh cho bản thân.

 Bà Lê Thị Hậu, quê Phú Thọ, làm nghề giúp việc gia đình và chăm sóc người ốm trong bệnh viện tại Hà Nội đã hơn 5 năm nay. Hằng ngày, bà chứng kiến cảnh các người già phải vào viện điều trị mà không có các chế độ bảo hiểm. Đủ các loại chi phí giường bệnh, thuốc men… là gánh nặng tài chính lớn với người không có điều kiện kinh tế.

Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm, nhưng bà Hậu cũng thừa nhận: Nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn phải dời quê hương, xa gia đình đi làm thuê ở thành phố. Đối diện với nhiều rủi ro, nhất là bệnh tật, tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào, nhưng không nhiều người di cư có BHYT. Còn tham gia BHXH, với người lao động tự do, làm thuê thì “chưa từng nhìn thấy ai có BHXH”.

Với lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội, mức thu nhập của họ ở mức khá. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, lao động giúp việc gia đình chiếm trên 90% là phụ nữ. Với công việc làm nội trợ, họ được trả công trung bình từ 4.000.000 – 5.500.000đ/tháng; trông trẻ được trả công từ 4.000.000 – 6.000.000đ/tháng. Đặc biệt, giúp việc gia đình với công việc chăm sóc người cao tuổi, người bệnh nặng, người khuyết tật được trả công rất cao, từ 7.000.000 – 9.000.000đ/tháng.

TS. Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho rằng: Nhìn vào mức thu nhập khá cao của lao động giúp việc gia đình tại các thành phố lớn, nhiều người nghĩ “họ dễ dàng bỏ ra một khoản hàng tháng để tham gia BHXH tự nguyện”; nhưng thực tế rất ít người lao động di cư trích thu nhập để tham gia.

Qua nghiên cứu, bà Ngọc Anh cho biết: Với mức thu nhập được cho là cao đó là nguồn sống, là chi phí sinh hoạt cho cả 4 đến 6 người trong gia đình và đủ các loại chi phí tiền học hành cho con cái của họ đang ở quê. Với bản tính của người phụ nữ, họ phải chắt bóp từng đồng tiền công để dành dụm gửi về cho gia đình, con cái - đây vẫn việc được ưu tiên hơn so với việc chi tiền tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân mình.

Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế, bà Ngọc Anh cho biết: Lao động khu vực phi chính thức, lao động nữ di cư chưa mặn mà với BHXH tự nguyện, bởi lực lượng lao động này phần lớn trong độ tuổi sinh đẻ; đặc thù công việc của lao động khu vực phi chính thức dễ gặp rủi ro với tai nạn, bệnh nghề nghiệp, nên họ rất cần các chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng BHXH tự nguyện lại không có (chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất).

Ngoài ra, thời gian đóng BHXH tự nguyện dài tới 20 – 30 năm, nên chưa tạo sự hấp dẫn cho lực lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia.

giup-vic-gia-dnh-1.jpg
Có mức thu nhập khá cao, nhưng không có nhiều lao động giúp việc tham gia BHXH tự nguyện

Hết năm 2019, cần tăng thêm 185.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện

Theo BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, cả nước phát triển mới được 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tại Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT tháng 4/2019, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết hiện nay mới có 306.000 người tham gia BHXH tự nguyện là thấp so với kế hoạch.

Do đó, trong 9 tháng cuối năm, BHXH các địa phương cần phải chú trọng để phát triển được ít nhất 185.000 người nữa. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đẩy mạnh phát triển đối tượng BHXH; đẩy mạnh các giải pháp, tăng cường phối hợp hoạt động nhằm tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Về những hạn chế trong chế độ, chính sách của BHXH tự nguyện, trả lời báo giới mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Cùng với chủ trương xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, Nghị quyết 28-NQ/TW còn nêu rõ mục tiêu tăng nhanh số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức, sửa đổi điều kiện tham gia BHXH.

Nghị quyết cũng yêu cầu sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng. Nếu trước đây, thời gian đóng BHXH tối thiểu phải 20 năm trở lên mới được hưởng chế độ hưu trí thì nay giảm xuống còn 15 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp...

Về ý kiến đề xuất nên rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu còn khoảng 10 năm để tạo điều kiện cho lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đây là mục tiêu hướng tới và đã được nêu trong Nghị quyết. Tuy nhiên, “nếu áp dụng ngay thì nguồn lực tài chính của chúng ta chưa thể cân đối. BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng nếu số năm đóng BHXH ít mà thời gian hưởng dài thì sẽ ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Cho nên, trước mắt, phải tính toán sửa đổi điều kiện thời gian tham gia phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của đất nước”.

nu-di-cu.jpg
Tổng số 53 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 30% số lao động tham gia BHXH

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thì: Tiềm năng về bảo hiểm hiện nay rất lớn, nhưng vấn đề là diện bao phủ còn rất hẹp. Trong số khoảng 53 triệu người trong độ tuổi lao động hiện nay, có tới 70% số lao động chưa tham gia BHXH. Khi về hưu, ốm đau, giảm sút thu nhập, ai sẽ chăm lo cho họ?

Cùng với đó, về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam với lao động nữ sẽ thế nào, trong khi khoảng cách tuổi của nam và nữ có xu hướng càng thu hẹp. Vì vậy cần phải tính tới sức khỏe của nữ và khả năng lao động của nam giới, với những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù sẽ có thêm một bộ phận có sức khỏe, trí tuệ để tiếp tục làm việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm