pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại quả tốt cho miễn dịch, giúp giảm cân, giữ dáng
Bí xanh (bí đao) có tên khoa học Benincasa cerifera Savi, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae, tiếng Anh gọi là winter melon hay ash gourd. Tác dụng của bí xanh đối với sức khỏe đến từ bảng giá trị cực kỳ phong phú của nó. Theo USDA, 100 gam bí xanh sống có chứa:
- 13 calo
- 3 gam carbohydrate
- 0,4 gam protein
- 0,2 gam chất béo
- 3 gam chất xơ
- 13 miligam (mg) vitamin C
- 0,6 miligam kẽm
- 0,4 miligam sắt
- 0,04 miligam thiamin
- 0,4 miligam niacin
- 0,13 miligam axit pantothenic
- 10 miligam magie
- 0,05 miligam mangan
- 19 miligam phốt pho
- 19 miligam canxi
- 5 microgam folate
- 6 % nhu cầu kẽm khuyến nghị hàng ngày (DV).
Có thể thấy bí xanh là thực phẩm giàu chất xơ cùng vitamin C cũng như các chất chống oxy hóa như polyphenol, flavonoid và anthocyanin. Nếu đang băn khoăn ăn bí xanh có tốt không, ai không nên ăn bí xanh hay uống nước ép bí xanh sống có sao không thì dưới đây là một số thông tin mà bạn có thể tham khảo.
1. Tác dụng của bí xanh đối với sức khỏe là gì?
Theo Healthline, bí xanh có vị thơm nhẹ, phần thịt quả có thể sử dụng để nấu ăn hoặc ép nước bí xanh để uống có thể đem lại nhiều công dụng:
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Nhờ hàm lượng calo thấp và lượng chất xơ, nước cao mà tác dụng của bí xanh đầu tiên có thể kể đến là giúp cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón.
- Ăn bí xanh có giảm cân không? Một trong những câu hỏi thường gặp khi ăn bí xanh là ăn bí xanh có giảm cân không thì câu trả lời là có. Ăn bí xanh có thể hỗ trợ giảm cân nhờ giàu chất xơ hòa tan, thúc đẩy cảm giác no khi ăn, từ đó giảm tình trạng ăn vặt có thể dẫn tới tăng cân.
Hơn nữa, bí xanh cũng giàu carbohydrate lành mạnh cùng nhiều chất dinh dưỡng vi lượng gồm vitamin C, vitamin B và kẽm có thể giúp tối ưu hóa sức khỏe tổng thể, góp phần tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh, tốt để quản lý và duy trì cân nặng.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bí xanh chứa hợp chất hóa học hytorin- caporic, chất này khống chế đường chuyển hóa thành mỡ, có thể ngăn chặn sự tích lũy mỡ trong cơ thể chống béo phì.
- Có đặc tính chống oxy hóa: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược lý Ấn Độ cho thấy chiết xuất từ bí đao có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và chống loét. Như đã nói, bí xanh chứa một số hợp chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ là polyphenol, flavonoid và anthocyanin.
Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa đã được chứng minh là giúp giảm dấu hiệu viêm trong máu, ngăn ngừa stress oxy hóa có liên quan tới rủi ro mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh tiểu đường, thậm chí là ung thư.
- Tác dụng thanh nhiệt, điều hòa nhiệt độ cơ thể: Theo y học cổ truyền thì bí xanh có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Nên nhiều người chọn ăn bí xanh hoặc uống nước ép bí đao sống để thanh nhiệt trong mùa hè. Do vậy với câu hỏi "Uống nước ép bí xanh sống có tốt không" thì câu trả lời là có, tuy nhiên không nên uống nhiều, do nước bí đao có tính xà phòng (thường thấy trong thuốc tẩy trắng vải), hấp thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
- Có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Nhờ chứa kali và vitamin C mà ăn bí xanh có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giãn mạch, thúc đẩy lưu thông máu tới các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, nghiên cứu y học hiện đại cho thấy chất xơ trong bí đao có thể giúp giảm cholesterol và lipid máu trong cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
- Tăng cường miễn dịch: Theo India news thì bí đao giàu vitamin C và riboflavin giúp kích thích sản xuất tế bào bạch cầu, trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa sự đột biến của các tế bào khỏe mạnh. Kết hợp với vitamin B2 (riboflavin) có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ cơ thể trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, từ đó giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa bệnh tật.
- Trắng da: Bí xanh rất giàu vitamin C và axit linoleic cùng vitamin B, E, C, A, sự kết hợp này có thể ức chế sự lắng đọng melanin trong cơ thể, giúp làn da được sáng bóng và trắng hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao có thể thấy bí đao xuất hiện trong nhiều công thức dưỡng trắng da bằng bí đao
- Hỗ trợ cải thiện chức năng nhận thức: Bí đao chứa một lượng trigonelline vừa phải, giúp giảm viêm và cải thiện chức năng nhận thức, đồng thời làm dịu tâm trí và giảm căng thẳng, lo lắng.
- Những tác dụng của bí xanh tiềm năng khác như chống lại bệnh tiểu đường type 2, tác dụng chống lại một số loại vi khuẩn và nấm. Tuy nhiên các tác dụng này còn thiếu tính đa dạng và phạm vi nghiên cứu trên quần thể người lớn.
2. Ai không nên ăn bí xanh?
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên vì các tác dụng của bí xanh mà ăn hay uống nước ép bí xanh quá nhiều. Nếu thuộc các nhóm người dưới đây thì bạn cần tránh hoặc hạn chế thêm bí xanh vào chế độ ăn của mình.
Người không nên ăn nhiều bí xanh là người bị loét dạ dày, loét tá tràng, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng, tiêu chảy, người tì vị hư hàn, người bệnh thận mà chỉ nên ăn lượng vừa phải do bí xanh có tính mát. Ăn nhiều dễ gây lạnh bụng, âm hử, hỏa vượng, chuyển hóa chậm,... tăng nặng tình trạng bệnh do ăn bí xanh quá nhiều.
Có nhiều quan niệm cho rằng người bị tiểu đường không được ăn bí đao. Thực thế thì người bệnh tiểu đường có thể ăn bí đao do chỉ số đường huyết thực phẩm của bí đao chỉ bằng 15, hay còn gọi là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, khi ăn không gây tăng đường huyết đột ngột. Do vậy, với câu hỏi "Người bệnh tiểu đường ăn bí đao được không?" thì câu trả lời là có.
3. Bí xanh kỵ với thực phẩm nào?
Bí xanh kỵ với gì? Ngoài việc quan tâm tới tác dụng của bí xanh thì khi nấu nướng bạn cũng cần chú ý tới các thực phẩm kết hợp cùng bí xanh, tránh gây ra các phản ứng tương tác làm giảm công dụng của bí xanh đối với sức khỏe, thậm chí là ngộ độc, tiêu chảy.
Bí xanh kỵ với cá diếc, đậu đỏ (Ảnh: ST)
Thông thường, bí xanh thường được nấu với xương, thịt lợn, tôm, nấm, thịt gà, thịt bò,... Nhưng cần chú ý, bí xanh kỵ với:
- Cá diếc: Cá diếc là một loại cá nước ngọt giàu dinh dưỡng, tác dụng kiện tỳ, lợi tiểu, bổ huyết và kích thích ăn ngon miệng. Tuy nhiên, theo đông y thì cả cá diếc và bí xanh đều là thực phẩm tính hàn, ăn cá diếc và bí xanh cùng lúc dễ dẫn đến các chứng như tiêu chảy, đau bụng.
- Đậu đỏ: Đậu đỏ là thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu và thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Bí xanh cũng có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng. Nếu kết hợp ăn bí xanh và đậu đỏ cùng nhau dễ gây ra tình trạng tiểu nhiều, tiêu chảy làm tăng rủi ro cơ thể mất nước và ảnh hưởng tới sức khỏe.
4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ bí đao
- Bài 1: Bí xanh trị phù nề, tiểu ít do bệnh viêm thận cấp tính: Chuẩn bị 500 gam bí đao cả vỏ và hạt; 100 gam đậu đỏ rồi đun thành canh, uống nước canh và ăn đậu 2 lần mỗi ngày để lợi tiểu và tiêu phù.
- Bài 2: Bí đao trị chướng bụng: Chuẩn bị 500 gam bí đao cả vỏ và hạt, đổ nước và đun chín và ăn. Chú ý trong khi nấu thì không thêm muối.
- Bài 3: Bí đao trị ho gà, viêm phế quản cấp tính và mãn tính: Chuẩn bị 15 gam hạt bí đao đem trộn với đường phèn giã mịn rồi nhào với mật ong rồi pha nước đun sôi để nguội, uống 2 - 3 lần một ngày.
- Bài 4: Bí đao chống béo phì: Chuẩn bị 500 gam bí đao cả vỏ cả hạt rồi thêm trần bì, gừng tươi, muối và nước đun chín rồi uống canh, ăn bí mỗi ngày 1 lần.
5. Cách chọn bí xanh ngon
Để chọn được bí xanh ngon hay chọn bí đao ngon thì cần chú ý tới các điểm sau:
- Với bí xanh nguyên quả, nên chọn những quả có hình dạng cân đối, không có vết côn trùng đốt trên vỏ. Còn với bí xanh đã cắt nhỏ, nên chọn những phần có cùi dày, mùi thơm nhẹ, thịt bí màu trắng xanh, nếu thịt bí chuyển sang màu ngả vàng thì nghĩa là đã để lâu, bị oxy hóa, ăn không ngon nữa.
- Phấn bám trên vỏ càng dày thì bí càng ngon có đúng không? Thực tế thì vỏ của bí đao thường có một lớp phấn trắng bên ngoài, chứng tỏ đây là quả già, đạt độ dinh dưỡng cao, còn tươi. Ngược lại, vỏ bí đao bóng bẩy, trơn nhẵn có thể do để lâu ngày.
- Mua bí đao thì nên chọn quả vỏ xanh đậm hay xanh nhạt? Mặc dù thành phần dinh dưỡng của hai loại bí đao này tương tự nhau nhưng thường bí đao vỏ xanh đậm sẽ có vị ngon ngọt hơn, ít ruột hơn, thịt quả bí dày hơn. Tùy theo sở thích mà bạn có thể chọn bí đao vỏ xanh đậm hoặc xanh nhạt.
- Bảo quản bí xanh trong tủ lạnh nhiệt độ từ 10 - 15 độ C có thời hạn sử dụng lên tới 2 - 3 tuần.
Nhìn chung, tác dụng của bí xanh đối với sức khỏe là rất lớn. Bạn có thể dễ dàng nấu bí xanh thành các món xào, canh bí, hầm, luộc, chưng cách thủy,... hoặc lựa chọn uống nước ép bí đao để nhận được các lợi ích này. Tuy nhiên khi uống nước ép bí đao sống thì cần chú ý không nên uống quá nhiều, dưới 3 lần một tuần. Nếu đang có các tình trạng sức khỏe dùng thuốc theo đơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn bí xanh để tránh tương tác thuốc.