pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ly hôn tuổi trung niên: Sự “dừng chân” nhiều băn khoăn
Ảnh minh họa
Bài 1: "Chương mới" có nhiều âu lo?
Đó là câu hỏi mà chị Đặng Thị Liên (Mỹ Phúc, Mỹ Lộc, Nam Định) băn khoăn trước quyết định ly hôn ở tuổi trung niên của mình. Giống như nhiều người bước vào hôn nhân, chị luôn hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng, sau đám cưới chẳng bao lâu, thực tế đã "bóp nghẹt" cuộc sống của chị. Hai vợ chồng đều có công việc ổn định nhưng chồng chị ham mê cờ bạc nên tiền của làm được bao nhiêu đều lo đi trả nợ cho chồng. Mỗi lần "khát tiền" và không được đáp ứng, anh ta lại bạo hành vợ, đánh đập con. Không biết làm cách nào, chị đành vay mượn chỗ này, chỗ kia để đưa tiền cho anh ta. Không ít lần, chị đã nghĩ đến ly hôn nhưng rồi lại không dám làm. Chị cắn răng chịu đựng một phần vì sợ trước những lời dọa giết của anh ta, phần khác là chị sợ mang tiếng "bỏ chồng".
Là giáo viên, ở tuổi 48, chị vẫn e ngại chuyện "bỏ chồng" trước đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Chị cố "che mắt" mọi người bằng vỏ bọc "gia đình bình thường". Cách đây không lâu, trong một lần bị chồng đánh "thừa sống thiếu chết", lại thêm chuyện anh ngoại tình, chị đã dứt khoát bước ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc đó. Hôm ra toà, bên cạnh việc muốn từ bỏ ngay người chồng tệ bạc, chị vẫn do dự vì nhiều thứ. Chị không biết mình sẽ đối diện với sự cô đơn như thế nào.
Giống như chị Liên, quyết định ly hôn đến với chị Đặng Thuỳ Duyên (Thanh Xuân, Hà Nội), 45 tuổi, thật không dễ dàng. Sau bao nỗ lực níu kéo chồng từ tay "người thứ 3", chị phải chấp nhận sự thật, cuộc hôn nhân của chị không thể cứu vãn. Không sợ "mang tiếng" ly hôn, điều khiến chị lo lắng nhất là việc nuôi dạy đứa con đang bước vào tuổi dậy thì. Chị sợ con sẽ bị tổn thương tâm lý khi bố mẹ ly hôn. Ở các gia đình có đầy đủ bố mẹ, việc nuôi con tuổi teen đã khó thì với người mẹ đơn thân như chị, sự khó khăn ấy có lẽ còn tăng gấp nhiều lần. Chị cố chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc cũng vì lẽ đó.
Thế nhưng, sau ly hôn, chị Duyên nhận ra rằng, những âu lo của chị trước đây hơi thừa. Cuộc sống thiếu người bạn đời bên cạnh không khủng khiếp như chị nghĩ. Đúng là có những khoảng thời gian chị cảm thấy trống trải, chênh vênh hậu ly hôn. Những ngày lễ, Tết, chị luôn phải "trốn chạy", không muốn thừa nhận sự cô đơn của mình vì cảm thấy chạnh lòng, tủi thân trước sự sum vầy của các gia đình khác. Tuy nhiên, khi tâm lý cân bằng trở lại, chị đã có những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống. Việc chị do dự ly hôn vì lý do con cái trước đây cũng chỉ là cái cớ, quan trọng là chị vẫn nuôi hy vọng chồng sẽ nghĩ lại để quay về.
Còn với chị Liên, cuộc sống hậu ly hôn lúc đầu có chênh vênh nhưng khi đã lấy lại sự bình an thì nó như một chương mới của cuộc đời. Đó là cuộc sống tự do, thoải mái, cuộc sống mà "làm ra đồng nào được tiêu đồng đấy".
Ly hôn ở tuổi trung niên với nhiều phụ nữ như chị Liên, chị Duyên, là một quyết định khó khăn. Không giống như ly hôn ở những người trẻ tuổi, những phụ nữ U50, U60 có nhiều trở ngại tâm lý hơn. Từng gắn bó với nhau 20-30 năm, khi quyết định "đường ai nấy đi", người trong cuộc dễ có suy nghĩ: Mình làm vậy có đáng không? Họ băn khoăn không biết mình có thể chịu đựng được cuộc sống cô đơn trong những năm tháng tuổi già? Ai sẽ ở bên chăm sóc mình những lúc ốm đau? Họ dằn vặt bản thân, liệu mình có làm bố mẹ, người thân của mình buồn? Họ e ngại cả những lời bàn tán của người xung quanh khi "đã ở tuổi này rồi mà còn...".
"Mình cần sống cuộc đời của mình! Mình xứng đáng được hạnh phúc hơn" - nhìn nhận đó đã đưa họ đến quyết định ly hôn nhưng để có câu trả lời cho những băn khoăn nêu trên thật không dễ!
Bài sau: Tỷ lệ hòa giải thành công thấp - Vì sao?
Thuật ngữ "ly hôn xám" được nhắc đến đầu tiên tại Mỹ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo Hiệp hội Người về hưu Mỹ, "ly hôn xám là thuật ngữ đề cập đến xu hướng nhân khẩu học về tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng ở các cặp vợ chồng già có thời gian chung sống với nhau trên 25 năm. Màu xám dùng để chỉ màu tóc của những người ở độ tuổi ngoài 50" (dẫn theo Kingston, Anne, 2007).