Mang ấm no về cho những người phụ nữ giữ “lửa nghề”

Mang ấm no về cho những người phụ nữ giữ "lửa nghề"


Nhờ được tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo, tập huấn kỹ năng quản lý thu hoạch, đan lát, tiếp thị và kinh doanh, nhiều phụ nữ ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang vừa giữ gìn được nghề đan cỏ bàng truyền thống vừa phát triển kinh tế gia đình.

Chúng tôi tới xã Phú Mỹ vào những ngày cuối hè. Bầu trời trong trẻo, khung cảnh yên bình đến nao lòng. Ấn tượng nhất là con đường dẫn vào ấp Trà Phô được tô điểm bởi những cọng cỏ dài được trải thành hình rẻ quạt phơi bên ven đường, trong sân nhà, ngoài bãi cỏ hoặc buộc thành bó (neo) vắt trên hàng rào, treo trên sào.

Rẽ vào một ngôi nhà chất đầy cỏ bàng ở khoảng sân nhỏ, chúng tôi được vợ chồng bà Thi Dền- chủ nhà tiếp đón nồng hậu. Bà Dền cùng chồng đang đưa từng bó cỏ bàng vào trong máy ép. "Cây cỏ bàng thân tròn lẳn, ruột rỗng cao chừng 1m. Sau khi thu hái về, chúng tôi đem phơi khoảng 3 ngày rồi ép cho cọng cỏ dẹp lại mới đan được. Tùy theo nhu cầu, thứ đồ cần làm, chúng tôi đan cỏ thành các tấm đệm nguyên liệu với các kích cỡ phù hợp", bà Dền giới thiệu về công việc thường ngày của mình.

Mang ấm no về cho những người phụ nữ giữ “lửa nghề” - Ảnh 1.

Bà Dền đan sản phẩm bán lại cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Bích Nguyên

Ở vùng quê này, những người phụ nữ Khmer như bà Dền đang từng ngày gìn giữ và phát triển nghề đan cỏ bàng truyền thống của dân tộc mình bằng cách sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.

Cỏ bàng vốn là cây cỏ dại, mọc hoang ở vùng đất ngập phèn mặn ở Phú Mỹ. Người Khmer ở đây không biết rõ tổ nghề là ai mà chỉ biết rằng cây cỏ dại này đã nuôi sống rất nhiều người. "Chúng tôi chủ yếu đan các sản phẩm truyền thống từ cỏ bàng như đệm, bạt, túi", ông Tiên Cóp, chồng bà Dền cho biết.

Đường vào ấp Trà Phô được phủ một một màu xanh do người dân phơi cỏ bàng. Ảnh: Bích Nguyên

Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Dền vừa đan chiếu từ những cỏ bàng đã qua sơ chế. Đôi bàn tay thô ráp hằn rõ dấu vết tuổi tác của bà thoăn thoắt kết các cọng cỏ với nhau. Có cảm giác sợi cỏ bàng mềm như sợi chỉ. Mặt chiếu bóng loáng, sờ rất mịn tay. "Trước đây, chúng tôi chủ yếu dùng cỏ bàng để đan những tấm đệm như thế này tiêu thụ trong vùng. Bây giờ, chúng tôi được dạy nghề, biết đan thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đồ gia dụng, nón, giỏ xách bao bì...", bà Dền kể.

Mang ấm no về cho những người phụ nữ giữ “lửa nghề” - Ảnh 3.

Đan cỏ bàng là sinh kế chính của nhiều phụ nữ ở Phú Mỹ. Ảnh: Bích Nguyên

Cuộc sống sang trang mới

Câu chuyện về nghề làm cỏ bàng với những người phụ nữ Khmer ở ấp Trà Phô cứ miên man mãi.

Kể chuyện về nghề làm cỏ bàng, bà Lan, một cư dân ở ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ chia sẻ: "Gia đình tôi sống được là nghề của ông bà để lại. Mỗi tháng tôi đan được khoảng 100 chiếc giỏ. Người ta đặt bao nhiêu thì đan chừng đó, nên cũng bấp bênh. Từ khi tham gia dự án, chúng tôi được dạy nghề đan, thu nhập từ nghề đan cỏ bàng cũng đủ sống. Ở đây, những người dân không đi làm ăn xa thì đều làm nghề này không à".

Dự án mà những người dân nơi đây được hưởng lợi chính là Dự án bảo tồn, khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ do Tiến sĩ Trần Triết, thành viên Hội Sếu quốc tế khởi sướng. Dự án đã thực hiện các hợp phần nghiên cứu, bảo tồn đồng cỏ - sinh cảnh của Sếu đầu đỏ và quản lý, khai thác sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng dưới hình thức hợp tác xã làng nghề.

Được truyền thông, tập huấn về kỹ năng quản lý vùng nguyên liệu, đan lát... cuộc sống của nhiều bà con đã sang một trang mới nhờ nghề đan cỏ bàng.

Tham gia dự án, bà con được tuyên truyền các thông tin về xóa đói giảm nghèo, được tập huấn kỹ năng quản lý đồng cỏ, phương pháp canh tác, thu hoạch, đan lát, tiếp thị và kinh doanh sản phẩm.

Nhờ những thông tin được tuyên truyền kịp thời, đầy đủ đến với người dân, đồng cỏ bàng được cứu khỏi sự xấm lấn của con người, nghề đan bàng cũng được cứu sống khi đang đứng trước nguy cơ "tàn lụi" do không đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng. Cuộc sống của nhiều bà con đã sang một trang mới nhờ nghề đan cỏ bàng.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề cỏ bàng được giới thiệu trên website ThomLiving.com. Ảnh: Mỹ Duyên

Một trong số đó là chị Trần Mộng Tuyền, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công từ cỏ bàng Toàn Tuyền. "Cỏ bàng bóng, bền, dẻo dai nên phù hợp làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cơ sở của chúng tôi làm thùng sọt, giỏ xách, mũ, túi thời trang…", chị Tuyền chia sẻ. Chị Tuyền xưa là người đan bàng thuê, sau khi tham gia dự án chị được đào tạo  nâng cao tay nghề, với sự hỗ trợ của Nhà nước (máy may, vốn), chị thành lập cơ sở sản xuất cho riêng mình với 10 lao động. Sản phẩm của chị đã được xuất sang Mỹ, Úc châu Âu thông qua một doanh nghiệp trên Sài Gòn.

Nhề đan cỏ bàng mở ra nhiều triển vọng với bà con khi thị trường xuất khẩu đang mở rộng, giúp họ có cuộc sống ấm no, yên tâm giữ "lửa nghề".

Thực hiện: Bích Nguyên