Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần tiêu thụ hàng hoá ở vùng đặc biệt khó khăn

Thanh Lan
18/11/2023 - 13:37
Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần tiêu thụ hàng hoá ở vùng đặc biệt khó khăn

Một phiên chợ vùng cao. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Những mô hình này được lồng ghép vào thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xúc tiến tiêu thụ hàng hoá thương mại điện tử quốc gia…

Tại Hội nghị "Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn" vừa được tổ chức tại Hà Nội bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ: Tại Việt Nam, thực phẩm chủ yếu được lưu thông, buôn bán qua kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Thống kê, hiện cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Đó chính là lý do thực phẩm an toàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương.

Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, nhằm giúp người dân có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn.

Góp phần tiêu thụ hàng hóa ở những vùng đặc biệt khó khăn

"Với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước. Bản thân các hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình khi địa phương đẩy mạnh xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm", bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần tiêu thụ hàng hoá ở vùng đặc biệt khó khăn- Ảnh 1.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Tính đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương đã lồng ghép các nội dung liên quan tới kinh doanh thực phẩm an toàn vào trong Chương trình mục tiêu Quốc gia như chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tiêu chí số 7 liên quan đến hạ tầng thương mại, những địa bàn được đánh giá là nông thôn mới nâng cao, phải có những mô hình chợ an toàn thực phẩm. Nội dung này đã được đưa vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng.

Các Đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xúc tiến tiêu thụ hàng hóa thương mại điện tử quốc gia… đã tạo ra những điểm bán hàng mới có vị trí thuận tiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch tham quan, mua sắm các hàng hóa đặc sản đặc trưng của địa phương.

Việc thu mua hàng hóa hai chiều cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng góp phần tiêu thụ hàng hóa ở những vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh. Nhiều điểm chợ truyền thống đã được xây dựng để bà con mang nông sản đến để tiêu thụ với giá thành tốt nhất, đem lại nguồn thu nhập. Bà con cũng được tiếp cận với những hàng hoá, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu từ miền xuôi.

Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Để đạt được mục tiêu đó, bà Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công Thương đã triển khai một số giải pháp căn bản.

Trước hết là công tác truyền thông, tập huấn về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Bộ Công Thương đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn đã được tổ chức, đào tạo hàng triệu người lao động trong hệ thống phân phối kiến thức về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan truyền thông báo chí, truyền hình có số lượng bạn đọc, bạn nghe, bạn xem lớn đã hưởng ứng việc tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong khâu phân phối, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần tiêu thụ hàng hoá ở vùng đặc biệt khó khăn- Ảnh 2.

Một phiên chợ vùng cao. Ảnh minh họa

Về kết nối thực phẩm an toàn trong hệ thống phân phối, Bộ Công Thương đã làm tốt công tác lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình xúc tiến thương mại với hàng ngàn cuộc kết nối cung - cầu đã góp phần đưa hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm vào các kênh phân phối.

Các hội chợ xúc tiến thương mại cũng là một kênh kết nối hàng hóa thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng khi hằng năm có hàng nghìn hội chợ thương mại từ quy mô lớn cho đến các phiên chợ các vùng miền.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý an toàn thực phẩm đã góp phần chuẩn hóa các mặt hàng được hệ thống phân phối hiện đại thu mua. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã đưa sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào sâu rộng thị trường.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm