pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chung tay xây dựng thương hiệu sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4293/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Nhờ đó, nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc, miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Từ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa của bà con được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, Bí xanh Ba Bể (Bắc Kạn)…
Cùng với đó là sự ra đời của các doanh nghiệp, hợp tác xã giúp các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Công ty cổ phần Cà phê Detech (tỉnh Sơn La) là một trong những đơn vị tập trung xây dựng được các sản phẩm chế biến chất lượng cao, tạo ra được các dòng sản phẩm chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, New Zealand, thị trường Mỹ… “Chúng tôi mong muốn tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống ổn định và gắn kết với vùng đất Sơn La và cà phê Sơn La”, bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê Detech, chia sẻ.
Trước đây, cà phê Sơn La chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, vì vậy kể cả người Việt Nam cũng chưa biết rằng khu vực Tây Bắc lại có cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica. Người tiêu dùng chỉ biết đến một sản phẩm cà phê Robusta uống có vị chocolate, caramel, vị đậm và thường uống với đường hoặc sữa. Còn sự khác biệt của sản phẩm cà phê Arabica là có vị chua thanh, vị hương hoa, vị đặc trưng của vùng Tây Bắc là vị thảo mộc, thì rất nhiều khách hàng chưa biết đến. Các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như một trợ lực giúp Công ty CP Cà phê Detech đưa giá trị của cà phê Arabica đến người tiêu dùng. Giờ đây, người tiêu dùng không chỉ biết đến cà phê Sơn La, mà còn biết đến vùng trồng cà phê với 80% là phụ nữ dân tộc thiểu số - những người trực tiếp tham gia vào thu hái, chế biến sản phẩm cà phê Arabica.
Cùng với Công ty cổ phần Cà phê Detech còn có nhiều đơn vị khách đã và đang tạo lập các thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiêu biếu có thể kể đến như: Thương hiệu trà Shanam của Tà Xùa được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới. Vinasamex là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Quế, Hoa hồi của bà con các dân tộc tỉnh Yên Bái xuất khẩu tới các thị trường lớn như Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những doanh nghiệp này đã góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chia sẻ về các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết: "Có rất nhiều hoạt động giúp quảng bá thương hiệu, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ hay quảng bá qua các nền tảng thương mại điện tử…
Thời gian gần đây, Bộ Công Thương tổ chức nhiều chương trình kết nối cơ bản, không chỉ kết nối bạn hàng mà còn kết nối cung cầu, qua các kênh phân phối, có thể là siêu thị, có thể là các trung tâm thương mại, có thể là logistics hoặc kênh online. Qua những kênh này thì hình ảnh, hiểu biết, nhận biết của công chúng và người tiêu dùng đối với rất nhiều sản phẩm ở các vùng đồng bào dân tộc, miền núi được trở nên rõ ràng và có màu sắc từ văn hóa đến môi trường đến chất lượng.
Bên cạnh đó, những chính sách liên quan trực tiếp hơn. Có thể kể đến như: tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ đào tạo, ví dụ như để họ có thể hiểu và có thể sử dụng được, có cách tương tác tốt với thị trường, với đối tác qua các kênh online".