pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mô hình xưởng may gia công góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ ở nông thôn
Xưởng may gia công của chị Vũ Thị Hằng (Triệu Sơn, Thanh Hoá) tạo việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn
Thu nhập ổn định từ nghề may gia công
Là một trong những người tiên phong hiện thực hóa mô hình xưởng may gia công của Hội LHPN xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Bích Lập (40 tuổi) cho biết, vợ chồng chị mở xưởng từ năm 2020, sản xuất đa dạng các mặt hàng như áo chống nắng, áo gió, đồ bộ… Sống ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chị Lập nhận thấy các chị em phụ nữ ngoài thời gian làm ruộng thì hầu hết đều ở nhà chăm con nhỏ, làm các công việc vặt trong gia đình, không có thu nhập ổn định.
Vốn có nghề trong tay, chị Lập bàn với chồng vay vốn mở xưởng may để tận dụng nguồn nhân lực sẵn có trên địa bàn. "Tôi nghĩ nếu các chị em cứ ở nhà thì thu nhập rất eo hẹp và đặt gánh nặng lên vai người chồng. Vì vậy tôi muốn giúp chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm việc, có thêm thu nhập" - chị Bích Lập tâm sự.
Hiện xưởng may của chị Bích Lập có 28 phụ nữ Mường tham gia sản xuất. Chị Ma Thị Hường (xã Ngọc Đồng) trước kia đi làm thuê khá vất vả mà thu nhập không được bao nhiêu. "Kể từ ngày đi làm may ở đây, chị em ai cũng có lương. Người nào làm ít cũng được 3 triệu đồng/tháng, còn nếu làm nhiều thì được 7-8 triệu đồng/tháng. Tôi mong có nhiều hơn các cơ sở làm việc như thế này để phụ nữ có thể tự tin hơn và làm chủ được cuộc sống của mình" - chị Hường chia sẻ.
Còn tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chị Vũ Thị Hằng (phố Bà Triệu, thị trấn Triệu Sơn) được biết đến như một nhà khởi nghiệp thành công với vai trò giám đốc một công ty may gia công. Năm 2016, chị Hằng dốc hết vốn liếng ra mua máy móc, nhận sản phẩm may mặc của một số công ty may trên địa bàn về làm gia công. Năm 2019, sau khi tìm hiểu thị trường và có bạn hàng tin cậy, chị Hằng đã quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ My Home với lĩnh vực kinh doanh chính là chuyên gia công may mặc, sản xuất tinh dầu, nến trúc.
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động và phát triển, Công ty đã có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm; có thị trường ổn định tại một số nước châu Âu và tạo việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Hướng đi thiết thực cho phụ nữ tại khu vực nông thôn
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, các mô hình may gia công đã xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn. Các chủ xưởng may gia công chủ yếu nhận làm những mặt hàng may mặc, như: Quần áo, túi xách, túi vải... của các doanh nghiệp. Đặc thù nghề may gia công không khó, các chị em chỉ cần chịu khó học hỏi, làm chắc tay là có thể ra nghề.
Để làm ra một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn, như: Cắt vải, ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may… nên cần rất nhiều lao động. Do công việc chủ yếu làm theo dây chuyền nên có những công đoạn, chị em có thể mang về nhà làm, không gò bó như làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp lớn nên có thể vừa làm, vừa chăm sóc gia đình.
Chi phí đầu tư ban đầu cho một xưởng may cũng không quá lớn. Chị Nguyễn Thị Vân (TT. An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) cho biết, thời gian đầu khi chỉ có khoảng chục triệu đồng trong tay, chị chịu khó săn lùng mua máy may, máy vắt sổ, máy là (ủi) công nghiệp loại cũ, do các công ty may lớn bán ra, giá chỉ khoảng 1-1,2 triệu đồng/máy; nếu mua cả lô thanh lý thì còn được giá tốt hơn. Sau này khi có vốn liếng rồi, chị đầu tư thêm từ vài chục triệu đến khoảng 100 triệu đồng là đã có thể giải quyết việc làm cho hơn 40 chị em trong thị trấn.
Thực tế cho thấy, sự ra đời của những xưởng, cơ sở may gia công thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động nữ khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương. Do đó, tại nhiều địa phương, Hội LHPN đã đứng ra hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở may gia công tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức đào tạo nghề may nhằm tạo nguồn lao động ổn định, có tay nghề cho các cơ sở, xưởng may trên địa bàn.
Bà Lê Thị Độ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), cho biết, mô hình may gia công đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nữ tại địa phương. Nhờ thu nhập ổn nh, đa số là làm việc trong nhà, "nắng mưa không tới mặt", mô hình này đã thu hút được rất nhiều chị em đi lao động xa nhà trở về quê sinh sống, làm việc. "Do đó, ngoài nguồn vốn vay giải quyết việc làm, trong thời gian tới, nếu có kênh vay vốn phù hợp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để các cơ sở may tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương" - Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Sơn cho biết.