Mỏi mòn chờ đợi người giúp việc ăn Tết qua rằm tháng Giêng

20/02/2019 - 17:27
Nhiều gia đình phải "xoay như chong chóng" với việc nội trợ, trông con và đi làm, vì người giúp việc “hứa” ăn Tết xong sẽ trở lại, song đến hết rằm tháng Giêng vẫn mất dạng.

Đã 10 ngày trở lại lịch làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Phạm Thị Nguyệt, ở ngõ 198 Tây Sơn (Hà Nội) bị đảo lộn hoàn toàn vì… vắng người giúp việc. Người giúp việc về quê ở Thanh Hóa ăn Tết, đến ngày mùng 7 chị Nguyệt bắt đầu đi làm, nên phải vừa “gọi điện giục, vừa năn nỉ, ỉ ôi” người giúp việc lên sớm.

Thậm chí, chị còn đề nghị tăng thêm chút tiền công cho những ngày lên làm sớm, nhưng người giúp việc vẫn… kiêu, kiếm lý do khất lần chưa chịu.

Chị Nguyệt than thở: "Công việc ở cơ quan thì ngập đầu nhưng 2 con nhỏ vẫn cần phải đón đưa. Cả 2 vợ chồng tôi ngày nào cũng phải chia nhau về sớm từ 16h30 để đón đứa nhỏ đang học mẫu giáo, đứa lớn học lớp 1. Sau ngày làm việc mệt mỏi rồi lại vùi đầu vào nấu nướng, dọn dẹp. Lúc vãn được việc nhà, ngẩng được mặt lên đã 10 - 11 giờ đêm!".

Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Thị Thu ở ngõ 56 Nguyễn Khánh Toàn (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết gia đình chị đang “rối tung hết cả” vì không ai đón và trông giúp 2 con nhỏ khi chị đi làm về muộn.

Chị Thu kể: “Công việc ở công ty rất bận nên tôi sẵn sàng trả công cho lao động giúp việc nhà tới 6,5 triệu đồng/tháng chứ ít đâu”. Người giúp việc đã quen với bọn trẻ, cũng hợp tính với người trong gia đình, nên tôi mới yên tâm giao phó cho giúp việc.

Sau Tết, người giúp việc kiếm trăm ngàn lý do để trì hoãn và hẹn ăn Tết đến… hết rằm tháng Giêng thì lên làm việc. Hứa vậy nhưng đến hôm nay, người giúp việc vẫn mất tăm; gọi điện không nhấc máy”.

 

lao-dong-giup-viec.jpg
Gia chủ và lao động giúp việc nên ký hợp đồng lao động bằng văn bản để bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên. Ảnh minh họa
 

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD, cho rằng: Đời sống ngày càng tăng cao, nên nhu cầu sử dụng lao động giúp việc gia đình ngày càng nhiều. Nhiều gia đình sẵn sàng trả mức tiền công cao cho người giúp việc để giải phóng sức lao động, giảm áp lực công việc nội trợ cho gia chủ, để họ có nhiều thời gian cống hiến cho xã hội.

Vì thế, lương của người lao động giúp việc khá cao. Theo khảo sát thực tế của GFCD, mức lương trung bình của người giúp việc làm nội trợ: từ 4.000.000 - 5.500.000đ/tháng. Công việc trông trẻ thì có mức từ 4.000.000 - 6.000.000đ/tháng; chăm sóc người cao tuổi, người bệnh nặng, người khuyết tật: từ 7.000.000 - 9.000.000đ/tháng.

dao-tao-lao-dong-giup-viec.jpg
Ảnh minh họa

 

TS Ngô Thị Ngọc Anh nhìn nhận một thực tế, nhìn chung, người lao động giúp việc gia đình hiện nay vẫn chưa chuyên nghiệp. Bởi vẫn còn xuất hiện tình trạng “thích thì làm, không thích thì nghỉ”, hoặc nơi nào trả lương cao thì bỏ việc không báo trước, khiến cho không ít gia chủ rơi vào tình trạng bị động, cuộc sống đảo lộn vì không kịp tìm kiếm người giúp việc thay thế.

Với sự bùng nổ công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội giúp kết nối cung cầu giữa gia chủ và người lao động giúp việc ngày càng dễ dàng thuận tiện hơn. Sự cạnh tranh của thị trường lao động giúp việc gia đình ngày càng mở hơn.

Nhiều giúp việc là người có tuổi, xuất thân từ nông thôn, thiếu kiến thức nếu không tự đổi mới, tác phong chuyên nghiệp thì dễ bị thải loại; thậm chí sẽ khó cạnh tranh được với chính lực lượng giúp việc theo giờ được đào tạo bài bản, được tuyển dụng kỹ lưỡng qua các công ty dịch vụ.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh cũng khuyến cáo gia chủ và người giúp việc gia đình nên ký hợp đồng lao động bằng văn bản đúng theo quy định của luật, nhằm đảm bảo quyền lợi của cả 2 phía chủ sử dụng và lao động giúp việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm