Mòn mỏi tìm mẹ về làm giấy khai sinh cho con


Thanh Vân
18/10/2022 08:00

Mòn mỏi tìm mẹ làm giấy khai sinh cho con

Vấn nạn tảo hôn đã diễn ra ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm nay. Chính quyền đã vào cuộc nhưng việc này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Người Mông ở các xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và người Mông ở các xã Lóng Luông, Vân Hồ, Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La sống cùng trên rẻo cao nguyên. Họ nói cùng ngôn ngữ và có phong tục tập quán na ná nhau. Họ định cư trên cao nguyên này và cùng ăn Tết Mông bắt đầu 1/12 (âm lịch) hàng năm. Việc ăn Tết kéo dài cả tháng trời cũng là quãng thời gian các đôi trai gái có cơ hội tìm hiểu nhau.

Tết cũng là dịp nghỉ ngơi đối với bà con người Mông. Cả năm họ làm quần quật trên nương, đây là thời điểm mùa màng kết thúc, họ được vui chơi thỏa thích. Trai gái người Mông cũng vậy, họ coi đây là cơ hội lý tưởng để tìm bạn đời và tổ chức cưới.

"Cái lệ nó vậy"

Ngày trước, các chàng trai Mông tìm người thương hay xuống chợ. Qua chén rượu giao lưu hay qua tiếng khèn Mông, khèn lá là họ "hiểu" được lòng nhau. Ngày đó các chàng trai ưng cô gái nào là "kéo" về nhà cho kì được. Nếu như cô gái kia ưng cái bụng, họ sẽ đồng ý ở lại và không bỏ trốn. Chàng trai coi đó là tín hiệu tích cực và nói với bố mẹ sang nhà gái thưa chuyện. Tất nhiên khi nhà trai đến nhà gái phải tay xách, nách mang quà cáp và sính lễ. Nhà gái thách cưới và nhà trai đồng ý, thế là đôi trẻ được phép tổ chức cưới. Từ đây họ nên vợ thành chồng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Mòn mỏi tìm mẹ về làm giấy khai sinh cho con  - Ảnh 1.

Ngày nay việc tìm hiểu của trai, gái người Mông đã cởi mở hơn. Ảnh minh hoạ

Ngày nay việc tìm hiểu của trai, gái người Mông đã cởi mở hơn. Họ cũng có thời gian làm quen qua hội xuân, qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Chuyện một chàng trai đứng bên bờ rào đá của nhà cô gái thổi khèn cả 7 đêm chỉ còn lại trong kí ức của người già. Việc tìm hiểu lãng mạn đó đã "chết" trong giai đoạn hiện nay. Trai, gái người Mông được tự do tìm hiểu, ưng nhau là các chàng dùng xe máy... chở về nhà tức khắc.

Ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cũng là người Mông. So với những người cùng trang lứa, ông Lau lại kết hôn muộn hơn và trong độ tuổi cho phép. Những người hoạt động xã hội hoặc tham gia làm cán bộ xã thường kết hôn đúng độ tuổi vì họ được đi học và hiểu vấn đề. Nói đến tình trạng tảo hôn tại xã, ông Lau cho rằng: "Việc này năm nào cũng xảy ra vài trường hợp. Xã cũng đã tuyên truyền và vận động nhiều nhưng tình trạng này chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai được".

Anh Giàng A Tráng đã tham gia lĩnh vực tư pháp xã Hang Kia từ nhiều năm nay. Anh cũng là người Mông nên hiểu cái "lệ" ở đây, trai gái thường thích lấy vợ, lấy chồng sớm. Ngay trong các nếp nhà của bà con người Mông cũng vậy. Họ mong con cái mình yên bề gia thất sớm. Đời nọ nối đời kia, cứ theo cái "lệ" đó mà làm, nên việc vận động các dòng họ tham gia vào việc đẩy lùi tệ nạn tảo hôn vẫn là cả một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Phụ nữ mất cả con khi chia tay

Những cặp vợ chồng nhí về ở với nhau được một thời gian, nếu thấy hợp nhau thì tiếp tục "nấu cơm" chung. Đôi nào không ở với nhau, họ bỏ nhau cũng "nhẹ tựa lông hồng". Nhà trai thấy cô con dâu về nhà hay ăn nhưng lười làm, hoặc sau 1 đến 2 năm thấy chưa sinh được con, họ tìm cách thoái thác và đẩy người con gái về nhà mẹ đẻ. Khi đôi trẻ lấy nhau, đều trong độ tuổi chưa đủ tuổi kết hôn, nên chỉ có gia đình hai bên đồng ý, chứ chưa được pháp luật công nhận. Do vậy, khi họ bỏ nhau, nhà trai gọi một người thân cận trong gia đình cô gái sang nói chuyện. Thực chất khi họ sang nói chuyện là bàn giao lại cô gái về nhà mẹ đẻ. Thế là tình duyên của đôi trẻ được giải quyết xong.

Do kết hôn chưa được pháp luật công nhận nên nhiều cô gái Mông trở nên trắng tay khi cuộc hôn nhân không suôn sẻ. Ảnh minh hoạ

"Nhiều trường hợp lấy chồng xa, chúng tôi liên hệ cả tháng, thậm chí cả năm trời mà chưa đến giải quyết được. Việc này dẫn tới những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi đến tuổi đi học mà chưa giải quyết xong thủ tục làm giấy khai sinh".

Anh Giàng A Tráng, cán bộ tư pháp xã Hang Kia

Nhiều đôi vợ chồng ở với nhau được thời gian có con cái, khi bỏ nhau, theo lẽ thường đứa trẻ sẽ theo mẹ, nhưng ở đây nhà trai lại có toàn quyền với đứa con này. Nếu như phía nhà chồng muốn giữ đứa con thì cô gái phải về nhà mẹ đẻ tay không. Vấn đề sẽ phát sinh, khi làm giấy khai sinh cho đứa con chung của họ. Anh Tráng là người giải quyết thủ tục này, nên anh chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Những đứa trẻ có bố mẹ tảo hôn, khi đến tuổi đi học, bố mẹ chúng mới ra xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, cũng có những đứa trẻ mà bố mẹ bỏ nhau, con về ở với bố. Khi họ dẫn con ra làm giấy khai sinh, về luật, khi đứa trẻ sinh ra mà chưa đăng ký kết hôn sẽ theo nơi ở của mẹ. Do vậy, nhiều trường hợp ở với bố nhưng hộ khẩu vẫn theo mẹ. Trong khi đó, mẹ của chúng cũng đi lấy chồng ở nơi xa. Khi làm giấy khai sinh cho con của chồng cũ, bắt buộc người mẹ đẻ phải có mặt để giải quyết.

Trẻ em người Mông ở Hang Kia

Theo hồ sơ mà cán bộ tư pháp nắm, đến nay còn nhiều trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục để đăng ký khai sinh. Xã cũng luôn tạo điều kiện hết mức để các cháu hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Nhưng làm gì cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp Luật. Việc này cũng gây cho cán bộ tư pháp nhiều phiền toái. Nhiều gia đình, cán bộ tư pháp giải thích cặn kẽ mà họ không hiểu, họ đâm ghét cán bộ và cho rằng, cán bộ không tạo điều kiện giúp con em họ.

Theo anh Tráng, đến nay, toàn xã Hang Kia còn 62 cháu bé chưa làm xong giấy khai sinh, trong đó có 56 trường hợp là do bố mẹ tảo hôn và 6 trường hợp chưa đến khai.

"Xã nói bà con nghe đấy, nhưng để thực hiện theo thì ít lắm".

Ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn diễn ra tại vùng đồng bào dân tộc, Ban chỉ đạo công tác Dân số Kế hoạch và gia đình huyện Mai Châu cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới. Tại các xóm, các dòng họ xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động các em không tảo hôn; phối hợp các trường học tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn và những hệ lụy từ tảo hôn… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn ở đồng bào dân tộc Mông xã Hang Kia, Pà Cò vẫn xảy ra, chủ yếu là ở các bé gái ở độ tuổi từ 15 - 17.

Mòn mỏi tìm mẹ về làm giấy khai sinh cho con  - Ảnh 4.

Cán bộ xã Hang Kia hướng dẫn người dân làm giấy khai sinh cho con

Tình trạng tảo hôn ở huyện Mai Châu xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết do cách nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số, quan niệm lấy vợ, lấy chồng cho các con khi tuổi vị thành niên để sớm có người nối dõi tông đường, có thêm nhân lực tham gia lao động, do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng đắn của bậc cha mẹ và chính người tảo hôn.

Mòn mỏi tìm mẹ về làm giấy khai sinh cho con  - Ảnh 5.

Cán bộ Dân số - KHHGĐ đến từng gia đình tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn. Nguồn: Báo Dân tộc

Chính quyền xã đã đến từng nhà, gặp từng đối tượng có con em từ 10 tuổi trở lên để vận động họ không cho con cái tảo hôn. "Xã nói bà con nghe đấy, nhưng để thực hiện theo thì ít lắm. Đây là thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ bao đời của đồng bào người Mông. Biết là khó nhưng chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền cũng như các hình thức xử lý để nỗ lực ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn ở địa phương", ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết.

Mòn mỏi tìm mẹ về làm giấy khai sinh cho con  - Ảnh 6.

Các cấp chính quyền địa phương nơi đây đang nỗ lực mang lại hạnh phúc, ấm no và sự tiến bộ cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh minh hoạ: Báo Dân tộc