Mong có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân gặp khó khăn do Covid-19

Trần Mai Dung (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội)
05/10/2021 - 18:46
Mong có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân gặp khó khăn do Covid-19

Chị Trần Mai Dung và con

Vợ chồng tôi đều là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Như nhiều công nhân khác, chúng tôi cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm ngoái, khi dịch Covid-19 xuất hiện, đặc biệt là lúc cao điểm của dịch, vợ chồng tôi và nhiều công nhân khác phải nghỉ để việc phòng, chống dịch, hoặc nếu đi làm thì buổi có buổi không do công ty chỉ hoạt động cầm chừng.

Thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi bị giảm đáng kể trong khi các khoản như thuê nhà trọ, ăn uống, nuôi con nhỏ… lại vẫn phải chi tiêu. Dù giá thuê trọ ở xã Hải Bối đã rất hợp lý, chi phí sinh hoạt cũng không quá đắt đỏ như ở thành phố, song vẫn khiến gia đình tôi lao đao.

Chúng tôi đành xoay xở đủ kiểu để kiếm sống. Tận dụng lợi thế có quê Thanh Hóa  ở vùng biển, tôi bán hải sản tươi sạch trên facebook cá nhân. Dựa theo đơn của mọi người đặt, tôi gom số lượng rồi đặt mối ở quê chuyển ra Hà Nội.

Vừa qua, tôi sinh em bé nên về quê, chồng tôi một mình ở lại Hà Nội. Tôi vẫn tiếp tục công việc bán hàng online. Một tuần đôi lần, tôi gửi con nhỏ cho bố mẹ trông để ra chợ bến ở Nga Sơn, Thanh Hóa, từ sớm lấy hải sản.

Chợ không có tàu thuyền lớn cập bến nhưng thuyền nhỏ của ngư dân vẫn cung cấp đủ loại hải sản tươi ngon sau mỗi chuyến ra khơi. Sau đó, tôi đóng thùng chuyển xe khách ra Hà Nội. Chồng tôi đi giao đồ cho khách để tiết kiệm tiền "ship". Ngoài ra, tôi còn nhận chế biến hải sản theo khẩu vị của khách hàng, chẳng hạn như mùa này có món cá sống mũi, mực một nắng tẩm gia vị… để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của thực khách. Nhờ đó, hải sản vẫn bán được đều đặn mỗi tháng, giúp vợ chồng tôi có thêm một khoản thu nhập để sinh tồn trong mùa dịch.

Mong có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân gặp khó khăn do Covid-19 - Ảnh 1.

Chị Trần Mai Dung bán hải sản tươi sạch trên facebook cá nhân

Hiện nay ở xã Hải Bối ước tính có khoảng hơn 5.000 công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, tập trung đông ở thôn Cổ Điển và khu Dân cư Thăng Long. Trong số này, 70%-80% là công nhân nữ, khoảng 40% trong số đó đã có gia đình, nhiều chị đang nuôi con nhỏ. Dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều chị em trở nên khó khăn hơn do ít việc hoặc không có việc, thu nhập giảm hoặc mất thu nhập. Nhiều chị em đã phải nỗ lực chuyển đổi, tìm thêm công việc khác như bán hàng online, chạy chợ, làm việc vặt khi có người thuê…

Để hỗ trợ chị em công nhân, Hội phụ nữ cũng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động như tặng nhu yếu phẩm, đặc biệt là tuyên truyền để chị em nắm bắt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chị em chúng tôi dù vất vả nhưng nhìn chung đều có ý thức thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Ai cũng hiểu rằng, dịch Covid-19 sớm qua thì cuộc sống của chị em mới có thể bình ổn trở lại.

Nhiều người cũng hỏi vì sao vợ chồng tôi không về quê sống, song công nhân chúng tôi ở lại thành phố vì còn có việc làm, con cái cũng đang đi học.

Tôi được biết, trước những khó khăn của người lao động, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chủ trương chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Theo đó, đối với các đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0, F1… sẽ được hỗ trợ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/người. Lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.

Tôi hy vọng công nhân chúng tôi sẽ được quan tâm, hỗ trợ để vượt qua khó khăn với những chính sách cụ thể như thế.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến đời sống của nhiều nữ công nhân, lao động. Không chỉ bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, chị em còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác như công việc gia đình không được trả lương, cơ hội tiếp cận việc làm trong trạng thái "bình thường mới".

Hãy chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải, những mong muốn, đề xuất để cải thiện đời sống, việc làm trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 10/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm